Kế hoạch cứu trợ các ngân hàng và quỹ tín dụng vỡ nợ mà Chính phủ Italy thực hiện đang gây ra rất nhiều tranh cãi, đặc biệt là sau khi một người đầu tư vào một ngân hàng sụp đổ đã treo cổ tự tử.
Trong khi một cuộc điều tra đang được Viện công tố thành phố Civitavecchia tiến hành để làm sáng tỏ nguyên nhân về cái chết của Luigino d'Angelo, 68 tuổi, đã tự sát sau khi để lại thông điệp tuyệt mệnh, rằng ông chết vì đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm để đổ vào một ngân hàng, Chính phủ Italy tuyên bố sẽ can thiệp để cứu những người đã mua trái phiếu và các cổ đông của bốn ngân hàng nhỏ.
Bốn ngân hàng và quỹ tín dụng địa phương này đã chìm trong khó khăn kể từ năm 2013 sau khi cổ phiếu của họ rớt giá, nợ xấu tăng cao và quản lý yếu kém, khiến cho 130.000 cổ đông nhỏ và người mua trái phiếu thiệt hại gần 3 tỷ euro mà họ đã đầu tư.
Nhiều trong số những người đầu tư vào các ngân hàng này là nhân viên của họ và người đã về hưu.
Ngày 10/12, Thủ tướng Italy Matteo Renzi tuyên bố chính phủ sẽ tìm kiếm những giải pháp nhằm cứu những các cổ đông và người mua trái phiếu trong khuôn khổ quy định của Liên minh châu Âu.
Báo chí Italy cho hay, chính phủ đang xem xét việc sẽ chi 50 đến 80 triệu euro để làm một quỹ hỗ trợ cho những người đã mất hết số tiền đổ vào các ngân hàng này.
Chính phủ Italy cũng sẽ hy vọng có được sự chấp thuận của Quốc hội để thông qua một gói biện pháp nhằm bật đèn xanh cho các ngân hàng khác của Italy đổ chừng 3,6 tỷ euro để bốn ngân hàng này, trong khi số nợ xấu sẽ được chuyển thành một ngân hàng nợ xấu. Chính phủ cho rằng, đây là một hành động "nhân đạo."
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích Italy, cho rằng chính phủ Italy phải chịu trách nhiệm về kế hoạch được mệnh danh là "giải cứu các ngân hàng."
"Chính phủ Italy đã thực hiện quá trình này và họ phải chịu trách nhiệm về điều này," Jonathan Hill, Ủy viên châu Âu về ổn định tài chính và dịch vụ nói từ Brussels.
"Cả bốn ngân hàng này đều bán cho người tiêu dùng các sản phẩm không thích hợp và gây ra những hậu quả xấu đối với nhiều người Italy."
Trước đó, Ủy ban châu Âu đã không đồng ý cho Ngân hàng nhà nước Italy kích hoạt một quỹ cứu trợ bảo hiểm tiền gửi nhằm cứu các ngân hàng này, đồng thời không tán thành phương án cứu trợ của chính phủ Rome, được đưa ra ngày 22/11 vừa qua, với lý do vi phạm quy định về "can thiệp của nhà nước."
Các đảng phái đối lập của Italy cũng cho rằng chính phủ của Thủ tướng Renzi không tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu về tài chính.
Theo họ, chính phủ đang tìm cách đẩy nhanh việc cứu trợ này một phần là để cứu Banca popolare dell'Etruria, ngân hàng mà cha đẻ của đương kim Bộ trưởng cải cách Marina Elena Boschi, cánh tay phải của ông Renzi, làm phó chủ tịch, trước khi các quy định mới về tài chính của EU có hiệu lực vào tháng 1/2016.
Theo quy định mới này, cứu trợ ngân hàng chỉ có hiệu lực với những người gửi tiền, các cổ đông và người mua trái phiếu thiệt từ 100.000 euro trở lên trong các trường hợp nợ xấu.
Trong tháng qua, Chính phủ Italy đã cố gắng tìm kiếm một giải pháp nhằm bồi thường một phần cho những người mất tiền trong các ngân hàng này.
Ngân hàng nhà nước Italy cũng cho rằng, cần phải có những hỗ trợ khẩn cấp với nỗi lo ngại rằng, quy định mới có thể gây ta những thiệt hại khổng lồ của ngành tín dụng và ngân hàng Italy.
Theo nhật báo kinh tế-tài chính Il Sole 24 Ore, quy định mới của EU có thể sẽ tác động nghiêm trọng đến các nhà đầu tư cá nhân, một nguồn cung cấp vốn quan trọng cho hệ thống ngân hàng nước này, đồng thời khiến các ngân hàng chịu thiệt hại về nguồn vốn.
Cũng theo nhật báo này, các phản ứng của Chính phủ Italy cho thấy nợ xấu ngày càng tăng đang là một đe dọa nghiêm trọng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này.
Tính đến hết năm ngoái, nợ xấu của Italy đã kên đến 350 tỷ euro, tương đương với 21% GDP, gấp bốn lần số nợ vào thời điểm cuối năm 2008, năm đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài cho đến tận thời điểm này.
Nợ xấu đã khiến ngày càng nhiều người cho vay rơi vào cảnh khó khăn./.