Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020

Mục tiêu của chương trình là nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế...
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn và hiệu quả cho các hộ sản xuất trên địa bàn huyện Thanh Oai. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 166/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Mục tiêu của chương trình là nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ đã đề ra tại Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020.

Việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và tạo cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020.

Vì vậy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực của đất nước, tài nguyên thiên nhiên để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể.

Về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, trong năm 2020, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa-ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua.

Chương trình hướng đến thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định; giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục thực hiện cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của địa phương.

Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, năm 2020, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn Luật.

["Năm 2020 lại phải đạt nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2019”]

Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.

Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm giao kế hoạch đầu tư công năm 2020 theo đúng quy định, lựa chọn dự án bảo đảm thủ tục đầu tư xây dựng để khi dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn có thể triển khai ngay, khắc phục tình trạng dự án giao vốn nhưng không triển khai được trong khi một số dự án có nhu cầu thì không được bố trí vốn.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án; hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công, hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án; thực hiện nghiêm việc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo quy định.

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục