Chuyện chưa kể về hành trình kéo điện lên nóc nhà Đông Dương

Câu chuyện về hành trình kéo điện lên đỉnh Fansipan là một minh chứng rõ nét cho ý chí và nghị lực của con người khi phải đối mặt với thiên nhiên hùng vĩ.
Ánh sáng đèn điện, dấu hiệu vĩnh cửu của văn minh thắp sáng trên đỉnh Fansipan (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những ngày này, khi đến với Fansipan, du khách sẽ ngỡ ngàng khi thấy đèn điện sáng choang trên khu Đại tượng Phật; những máy móc cỡ lớn chạy ro ro ngày đêm không ngừng nghỉ. Từ đầu năm 2016, toàn bộ các hoạt động trên ngọn núi cao nhất Đông Dương đã được vân hành bằng nguồn điện 35kV - điều mà trước đó tất cả đều cho là một giấc mơ hoang đường và không thể trở thành hiện thực.

Câu chuyện về hành trình kéo điện lên đỉnh Fansipan là một minh chứng rõ nét cho ý chí và nghị lực của con người khi phải đối mặt với thiên nhiên hùng vĩ.

Giấc mơ kéo điện lên đỉnh trời

Nằm ở độ cao 3.143m so với mực nước biển, Fansipan chính là ngọn núi cao nhất của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Với những người ưa chinh phục, khám phá và muốn tự phá bỏ giới hạn của bản thân mình, Fansipan từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng đầy hấp dẫn. Thế nhưng, đối với nhóm thợ điện trực tiếp tham gia khảo sát, dựng cột để đưa ánh sáng lên đỉnh trời, rừng núi Hoàng Liên Sơn lại là một cơn ác mộng thực sự.

[Hoàng Liên Sơn lọt top “Điểm đến hấp dẫn nhất thế giới 2019”]

Trần Đình Luật (sinh năm 1990) vẫn chưa thể quên được những ngày đầu cậu vào rừng để nhận nhiệm vụ. Luật kể: "Tháng 11/2015, dự án kéo điện lên đỉnh Fansipan chính thức được phê duyệt. Yêu cầu lúc này là cần khẩn trương tìm con đường thuận lợi nhất để đưa đường dây đi xuyên suốt từ chân núi lên tới độ cao 3.143m. Mục đích chính là để tạo nguồn năng lượng nhằm vận hành cáp treo về sau cũng như các hoạt động khác."

Vào thời điểm này, ở Việt Nam chưa từng có tiền lệ thi công đưa điện lưới lên tới độ cao như thế. Bên cạnh đó, các vành đai rừng nhiệt đới xen kẽ ôn đới cùng với địa hình phức tạp của dãy Hoàng Liên Sơn trở thành một bài toán hóc búa đối với những người thợ.

"Sau khi nghiên cứu kỹ nhiều con đường lên núi, chúng tôi quyết định sẽ đưa đường dây lên đỉnh theo lối khách du lịch hay leo núi, bắt đầu từ cửa trạm kiểm lâm Trạm Tôn để đi," Trần Đình Luật nhớ lại.

Trần Đình Luật, nhân chứng của những ngày ăn rừng, ngủ núi để đưa điện lên nóc nhà Đông Dương vẫn chưa thể quên được mức độ kinh hoàng của cung đường năm xưa (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mùa đông năm 2015, những phần việc đầu tiên bắt đầu được tiến hành.

Là một trong những người đầu tiên đi khảo sát mở tuyến, Luật vẫn còn nhớ như in cảm giác "thở không ra hơi" khi vào rừng. Cậu trai gốc Lào Cai kể: "Hôm ấy, tôi nhận lệnh theo một nhóm để định tuyến cho đường dây sau này. Như thường lệ, tôi đi xe máy vào Trạm Tôn, cứ nghĩ chỉ vài giờ rồi quay lại. Ai ngờ, càng đi càng thấy cây cối um tùm."

Bữa ấy, gần như ngay lập tức, Luật bị tụt lại so với cả đoàn. Những sườn dốc đá dựng đứng trơn tuột bởi rêu khiến cho cậu không thể leo nhanh được. Cây cỏ giằng níu chân người. Càng vào sâu, rừng càng rậm rạp. Hơi lạnh từ đại ngàn theo gió chướng cuồn cuộn thốc thẳng vào miệng, vào mũi lúc này đã khô khốc của Luật.

"Lúc ấy, nằm giữa lung chừng dốc, tôi đã nghĩ tới việc bỏ cuộc. Mới chỉ khảo sát mà chân tay cứng đờ, tứa máu, thở còn thấy mệt thì dựng cột và kéo dây điện làm sao mà làm được," Luật rùng mình nói.

5 năm sau khi đường điện 35KV được kéo lên đỉnh, con đường mà những người thợ đã từng đi năm xưa đã bị cỏ cây phủ kín rậm rạp (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bỏ cuộc cũng là lựa chọn của rất nhiều người thợ trong những ngày tháng ấy. Đường đi kéo dài hơn 10km liên tục chạy qua dốc cao, vực sâu và đại ngàn khiến cho ngay cả những người cứng cỏi nhất cũng phải lắc đầu. Thêm nữa, thời tiết trong giai đoạn cuối năm 2015 hết sức khắc nghiệt, mưa tuyết và băng liên tục phủ trắng các sườn rừng Hoàng Liên Sơn càng khiến cho công việc trở nên nặng nề hơn. Không một thứ máy móc nào có thể vượt qua những rặng đá hoa cương khổng lồ và rừng cây nguyên sinh để vào được công trường. Sức người hóa thành "động cơ" duy nhất.

Một ngày sau khi lên tuyến, Trần Đình Luật đã xin về để… viết đơn xin nghỉ việc.

"Lúc đó, tôi cảm thấy nản ghê gớm và nghĩ chuyện đưa điện lên tận điểm cao 3.143m là quá hoang đường," Luật thành thật.

Nhưng lá đơn của Luật không được duyệt. Cậu được động viên ở lại để cùng "bắt tay làm được điều gì đó… điên rồ mà ý nghĩa cho quê hương". Luật lại lên núi, băng rừng trong cảm giác mông lung khi chưa thể hình dung ra nổi hình hài của tuyến dây 35kV sẽ vắt ngược lên nóc nhà Đông Dương.

Trong giai đoạn đầu tiên, vai trò của đồng bào các dân tộc bản địa đóng vai trò hết sức quan trọng. Do không thể đưa máy móc, phương tiện vận chuyển vào sâu bên trong lõi rừng, toàn bộ nguyên vật liệu phục vụ cho thi công đều phải được "khiêng, gùi" một cách thủ công nhất. Từ phía Trạm Tôn, vật liệu đủ loại cũng đã tập kết đầy phía chân núi. Hàng trăm lượt người Mông, Dao, Thái… bản địa được thuê cùng đội thi công "cõng" sắt đá tới các địa điểm được định sẵn. Ngày ngày, bất chấp mưa rừng, tuyết trắng, từng đoàn người cứ lầm lũi, gù lưng địu cát sỏi… nối đuôi đi về phía cổng trời. Chỉ bằng cách thức không thể thô sơ hơn như thế, tổng cộng hơn 15.000 tấn vật liệu đã băng qua rừng sâu, vực thẳm để có mặt tại vị trí dựng cột.

Toàn bộ việc đưa vật liệu xây dựng đều được các cán bộ, công nhân dùng sức người để đưa lên đỉnh núi (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Vận chuyển đã khó khăn, việc thi công lại càng gian nan gấp bội phần. Toàn bộ các khâu tạo mặt bằng, đào hố móng, đổ bê tông… đều chỉ thực hiện bằng tay trần. Bên cạnh đó, do thời điểm tiến hành dựng cột lại vào mùa khô nên nước cực kỳ khan hiếm. Anh em công nhân buộc phải đi sâu hơn vào trong lõi rừng, tìm kiếm khe suối, hứng từng can nước về để đổ bê tông và sinh hoạt.

Tính tới đầu tháng 11/2015, hàng ngàn tấn bê tông đã được đổ, tạo nên 33 cột điện ngạo nghễ giữa đại ngàn, thách thức sự khốc liệt của Hoàng Liên. Phải đến tận lúc này, những gã thợ của rừng Fansipan mới dám tin vào sự thành công của con đường ánh sáng trong một ngày không xa xôi.

Kéo điện ngược lên trời

Sau khi hoàn thành việc dựng hệ thống cột đỡ, giai đoạn kéo dây mới chính thức được tiến hành. Đối với những người thợ, đây cũng là khoảng thời gian khó khăn và thử thách nhất.

Do cam kết với Rừng Quốc gia nên suốt quá trình kéo dây sẽ không được xâm hại vào thềm rừng. Không được phép chặt hạ cây, không được phá núi mở đường trở thành mệnh lệnh bắt buộc.

"Đường từ chân núi lên tới điểm cao 3.143m cây cối rất dày vì phải đi qua vành đai rừng nhiệt đới. Vì không được chặt phá, nên chúng tôi buộc phải dùng sức người, rải bộ dây suốt dọc hơn 16km đường núi," Nguyễn Văn Bình, giám sát thi công thời điểm đó nhớ lại.

Việc thi công kéo dây 35KV lên đỉnh Fansipan trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết luôn là thử thách đối với những chàng trai như Trần Đình Luật (Ảnh: SunGroup cung cấp)

Ban đầu, những người thợ điện như Luật sẽ rải những sợi dây có đường kính 8mm loại nhẹ dọc theo đường đi, nối từ cột nọ sang cột khác để làm dây mồi. Sợi dây mồi này sau đó được căng lên trụ rồi mới buộc vào cáp điện 35kV lớn hơn để kéo lên. Toàn bộ sẽ được kéo nổi trên mặt rừng. Dây vướng vào cây nào, thợ sẽ phải trèo lên tận nơi để gỡ ra.

"Đối với các trụ ở gần, địa hình 'dễ chịu' thì không sao. Nhưng nếu ngăn cách ở giữa là vực thì thực sự là khốn đốn," Luật nheo trán nói.

Điển hình như các cột số 14 và 15 cách nhau 589m thì toàn bộ 589m này toàn là vực sâu tới hơn 100m. Nhìn vách núi dựng đứng và mù sương, ai cũng phải ngao ngán lắc đầu.

Một loạt phương án đã được nhà thầu đưa ra: Từ việc dùng khinh khí cầu để rải dây, tới việc buộc dây mồi vào nỏ rồi… bắn từ cột này sang cột kia để "bắc cầu". Nhưng, tất cả đều thất bại. Gió Hoàng Liên luẩn quẩn, dữ dội không cho phép khí cầu cất cánh và cũng sẵn sàng đánh bạt khi mũi tên vừa rời khỏi ná.

"Chỉ còn cách đu xuống dưới vực thôi. Nếu không toàn bộ công sức sẽ đổ sông, đổ bể cả," Luật vẫn nhớ như in thời khắc quyết định được cả đội đưa ra.

Dây bảo hộ lúc này được thả dọc từ trên miệng vực tới đáy. Những gã thợ điện, thân đeo đai an toàn, tay bám dây bắt đầu đu mình từ từ tụt xuống cả trăm mét mù mịt mây phía dưới.

Nhờ có đường điện 35KV, những cabin nối thị trấn Mường Hoa với đỉnh Fansipan được nối liền một dải (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lạnh và sợ. Đấy là những cảm giác mà cho tới tận hơn hai năm sau Trần Đình Luật vẫn nhớ như in khi buộc phải biến mình thành tazan những ngày tháng ấy. Cậu trai trẻ hiền khô khàn khàn bảo: Ban đầu, tuyệt nhiên cậu không dám làm. Chỉ tới khi vài đồng nghiệp… thành công, cậu mới đủ can đảm để bám dây xuống đáy.

Đây cũng là khe vực đã tiêu tốn của cả đội nhiều thời gian nhất khi phải mất gần 1 tháng ròng, hơn 600m dây mới được "vắt qua" giữa hai cột trụ. Thậm chí, tận cả đến khi toàn bộ đường dây đã "thông", khe vực này vẫn trở thành ám ảnh không thể phai mờ với Trần Đình Luật.

Ngừng lại một lát, cậu trầm ngâm nhớ lại: Vào khoảng đầu năm 2016, khi toàn bộ đường 35kV đã được kéo lên tận đỉnh thì bất ngờ lại xảy ra sự cố đứt dây. Một lần nữa, Luật lại được giao nhiệm vụ khắc phục. Địa điểm cũng chính là khe vực giữa cột 14 và 15.

"Em nhớ khi cả đội đã thành công nối hai sợi dây, chỉ cần néo nốt sợi cuối cùng để về thì đột ngột trời nổi gió rất lớn, sương mù nổi lên dày đặc," Luật hồi tưởng.

Lúc này, ở phía trên cột, Luật yêu cầu tổ phía dưới trùng dây để đấu nối sợi cáp điện vào vị trí. Nhưng do gió và sương mù cản trở, nhóm hỗ trợ nghe nhầm thành thả dây. Sợi cáp thép không người néo lập tức bật tung, "văng như con rắn" và vụt ngược lên phía Luật đang neo mình.

Chỉ còn kịp thấy bỏng rát nơi trán, gã thợ điện ngã ngửa người, lơ lửng treo mình giữa cây cột cao cả chục mét nhờ sợi dây bảo hiểm mỏng manh. Mọi thứ rất nhanh tối sầm đi theo máu chảy đầm đìa.

Bữa ấy, Luật đã được "đồng đội" đưa ra khỏi rừng theo cách thức kỳ lạ nhất. Cậu trai trẻ bị bọc kín mít trong chăn. Phần đầu đã garo cầm máu tạm bằng sợi dây thừng buộc ngang. Một thân cây nhỏ biến thành đòn khiêng, cả đoàn người tấp tểnh "gánh" Luật đang lịm dần đi về phía chân núi.

"Có đoạn dốc quá, mọi người còn phải thả ra, kéo lê em đi. Ra đến Trạm Tôn mất 3 tiếng thì em vẫn mê man nên anh em còn xúm vào tát thật đau để em tỉnh lại được," Luật kể.

Toàn cảnh đỉnh Fansipan (Ảnh: SunGroup)

Sự cố ngày ấy "tặng lại" cho Luật vết sẹo chạy chéo phía trái trán và gần chục vết khâu ở tay và chân. Thế nhưng, khi được hỏi: "Em có bị sợ hay ám ảnh không?" thì cậu vẫn hồn nhiên bảo: "Thực ra là em không sợ. Vì em nghĩ, những gì khó khăn tưởng không thể vượt qua được thì mình đều đã làm được rồi. Sự cố này chỉ là chuyện nhỏ thôi."

Cũng chính nhờ tinh thần không biết sợ, không chùn bước ấy của những người thợ như Trần Đình Luật, đúng ngày 2/9/2015, sau gần 1 năm vật lộn với đại ngàn, " tổ đặc nhiệm" được đón ánh sáng đầu tiên trên nóc nhà Đông Dương khi dòng điện chính thức đóng. Ở trên độ cao hơn 3 ngàn mét, dưới thứ ánh sáng mà những Tazan rừng Hoàng Liên tự gọi là rực rỡ nhất đời, hàng chục gã đàn ông ôm chầm lấy nhau, hò hét, hát ca đến… chảy nước mắt. Ánh sáng điện đèn - thứ biểu tượng vĩnh cửu của văn minh cuối cùng đã được thắp trên nóc nhà Đông Dương…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục