Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI), nhu cầu chuyển đổi số trở thành một vấn đề cấp thiết và là điều kiện tiên quyết để thực hiện hoạt động.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát do VLI tiến hành đã thể hiện sự quan tâm và đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổi số; đồng thời, đều xác nhận, chuyển đổi số là quá trình đang phát sinh nhiều khó khăn, rào cản.
Theo kết quả khảo sát, có 38,24% doanh nghiệp logistics cho rằng COVID-19 đã hình thành nhu cầu chuyển đổi số và 42,65% doanh nghiệp cho rằng tác động của COVID-19 chính là làm thay đổi nhu cầu của khách hàng (chẳng hạn sử dụng giao dịch điện tử nhiều hơn, dịch vụ giao hàng thương mại điện tử...).
Ngoài ra còn có những xu hướng khác được hình thành như thay đổi quan niệm điều hành doanh nghiệp logistics, khả năng làm việc từ xa.
Có 44,74% doanh nghiệp cho biết có sự tương thích về công nghệ giữa doanh nghiệp của mình và các đối tác trong chuỗi dịch vụ logistics; còn 42,11% doanh nghiệp chia sẻ nguyên nhân của việc chậm chuyển đổi số là do kinh phí hạn hẹp và nhân lực hạn chế, cũng như chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp.
Trong khi đó, 28,95% doanh nghiệp băn khoăn không biết nên dành kinh phí đầu tư như thế nào cho phù hợp và nên khởi đầu như thế nào trong quá trình chuyển đổi số.
Ngoài ra, gần 16% doanh nghiệp bày tỏ việc chuyển đổi lượng thông tin hiện hữu với khối lượng khổng lồ lên nền tảng số cũng là trở ngại.
Chỉ có 5,26% doanh nghiệp logistics cho rằng, cản trở cho quá trính chuyển đổi số là do không chú trọng đến tính an toàn và khả năng bảo mật thông tin của các nền tảng trực tuyến.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, VLI cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics với các đối tác trong mạng lưới toàn chuỗi dịch vụ để có thể có sự quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn ứng dụng hay nền tảng phù hợp.
[Đưa ngành logistics lên vị trí xứng tầm với tiềm năng phát triển]
Chuyển đổi số phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp và phải được xem như là chiến lược của các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế, các doanh nghiệp logistics có đặc điểm vận hành với số lượng dữ liệu quy mô lớn (big data), số lượng đơn hàng có thể từ vài trăm nghìn đến triệu đơn mỗi ngày.
Thêm nữa, rất đáng ghi nhận là mặc dù có rất nhiều khó khăn tác động đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics Việt, nhưng các doanh nghiệp đã rất nỗ lực đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin cần thiết trong thực hiện dịch vụ logistics.
Cụ thể như 75% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý giao nhận (FMS); 63,89% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý đơn hàng, phần mềm quản lý kho hàng (OMS và WMS); 61,11% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý vận tải (TMS).
Tuy nhiên, những ứng dụng có thể tối ưu hóa công tác vận hành như hệ thống định tuyến phương tiện (VRP) hay hệ thống lưu trữ và lấy hàng tự động AS/RS, xe lấy hàng tự động... thì còn rất ít doanh nghiệp sử dụng với tỷ lệ tương ứng là 19,4%, 16,67% và 11,11%.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ bay không người lái thì hoàn toàn chưa được sử dụng. Tuy nhiên, cũng có tới 11,11% doanh nghiệp logistics Việt đã lên kế hoạch sẽ sử dụng ứng dụng này trong tương lai.../.