Chuyển đổi số tại Việt Nam: Để doanh nghiệp phát triển nhanh hơn

Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ quá trình hội nhập và đặc biệt là từ tác động bởi đại dịch COVID-19.
Chuyển đổi số tại Việt Nam: Để doanh nghiệp phát triển nhanh hơn ảnh 1Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ quá trình hội nhập và đặc biệt là từ tác động bởi đại dịch COVID-19.

"Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển," Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Thống kê từ Tập đoàn hệ thống công nghệ Hoa Kỳ Cisco cho thấy quá trình số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỷ USD vào GDP năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường.

Các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng gần 80% máy móc là nhập khẩu công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số.

Cùng với đó, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có chiến lược ứng dụng các công nghệ số và chủ động hơn trước phản ứng thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đứng sau Philippines và Indoneisa về chuyển đổi số.

Còn theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cũng cho thấy trên cả nước chỉ có 15% doanh nghiệp đang chuyển đổi số. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào quá trình này vì gặp khó khăn về vốn, nhưng cũng một phần xem rằng đây là câu chuyện của doanh nghiệp lớn.

Ông Nguyễn Việt Long, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) nhận định việc chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế.

[Câu chuyện chuyển đổi số tại Việt Nam: Động lực đến từ thể chế]

Theo ông Long, có hiện tượng chủ doanh nghiệp vừa là người nghĩ ra và là người thực thi, sự chia sẻ của người lao động chưa nhiều. Điều đó dẫn đến mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể thực hiện được.

Nói rõ hơn về thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay, ông Long cho biết một số nghiên cứu và khảo sát gần đây cho thấy thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp rất khiêm tốn. Nguyên nhân là chi phí đầu tư cao; hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; tổ chức quản lý; quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng cần chuẩn hóa.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng các doanh nghiệp lớn còn có bộ phận công nghệ thông tin, riêng doanh nghiệp nhỏ hiểu về công nghệ số đã là khó và hạn chế. Ngoài ra, trong việc chuyển đổi số còn có nhiều rào cản khác như quy định, quy tắc công ty không phù hợp số hóa; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động và của lãnh đạo doanh nghiệp…

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Hồ Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Misa cho rằng để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải quyết liệt. Đầu tiên, doanh nghiệp phải chọn ra đội tiên phong về chuyển đổi số, để xác định tại sao chuyển đổi. Từ đó, đưa ra chiến lược bắt đầu từ việc cụ thể, cam kết và kỷ luật như thế nào.

Theo ông Hùng, tại doanh nghiệp, công ty xác định 80% không dùng giấy tờ, sau đó, một thời gian ngắn sẽ là chuyển đổi theo hướng số hóa.

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc VCCorp, nhà sáng lập Bizfly cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thường có nhiều góc nhìn sai lầm như chuyển đổi số chỉ dành cho doanh nghiệp lớn; tốn nhiều tiền, chuyển đổi số triển khai càng nhiều càng tốt, tiến trình diễn ra nhanh chóng; chuyển đổi số đây là chiếc đũa thần giúp doanh nghiệp cất cánh.

Với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định điều này là hoàn toàn sai lầm vì không chỉ doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đang làm nhưng không ý thức được đang thực hiện chuyển đổi số, ví dụ như bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dùng chatbot (thảo luận trực tuyến), dùng các hệ thống tự động hóa…

Chuyển đổi số tại Việt Nam: Để doanh nghiệp phát triển nhanh hơn ảnh 2Ngày càng nhiều khách hàng ưa chuộng mua sắm online để tiết kiệm thời gian. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, với các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, một năm chi phí cho quá trình chuyển đổi số chỉ tốn vài chục triệu đồng, tương đương trung bình khoảng 1-2 triệu đồng/tháng, chưa bằng tiền lương trả cho một nhân viên cấp thấp trong công ty.

Theo ông Tuấn, việc chuyển đổi số nên được triển khai từ những khâu nhỏ nhất. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể triển khai từng khâu, không cần phải triển khai toàn bộ trên cả hệ thống doanh nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi số thành công cần thời gian và phải tùy mức độ, phạm vi lựa chọn của từng doanh nghiệp.

“Giai đoạn đầu triển khai sẽ tốn chi phí, mất thời gian. Tuy nhiên nếu thành công, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiểu quả hơn,” ông Tuấn nhận định.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ quá trình hội nhập và đặc biệt, dịch COVID-19 đang quay trở lại đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực thay đổi và thích ứng.

Tiếp sức doanh nghiệp chuyển đổi số

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng hiện doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với thách thức hội nhập, hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải số hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả doanh nghiệp Việt Nam. Chuyển đổi số chính là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển nhanh hơn, nếu như có thể xác định được những lợi ích, chi phí đầu tư và tìm hiểu cách chuyển đổi số bắt đầu từ đâu.

Chuyển đổi số tại Việt Nam: Để doanh nghiệp phát triển nhanh hơn ảnh 3Phân loại hàng hóa của hãng thương mại điện tử Lazada. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Để giúp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả hơn, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Theo chương trình đến năm 2025 là 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng. Mục tiêu của chương trình cũng hướng đến thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Cùng với đó là xây dựng hệ thống các chuyên gia, các tổ chức tư vấn quy trình giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số tốt nhất; trong đó, có tư vấn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các bộ hồ sơ tài chính tiếp cận vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng. “Bộ cũng có nguồn quỹ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả trong thời gian tới," Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Ông Nguyễn Việt Long cho rằng do lực đẩy về công nghệ số và sức kéo của thị trường người tiêu dùng số, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ chuyển dịch, mang lại cơ hội nâng cao năng lực, tạo động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, để tiếp cận chuyển đổi số, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển; trong đó có Việt Nam. Đây là một chủ trương lớn, quan trọng, một định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước để các doanh nghiệp không bị tụt hậu và có thể đảm bảo một tương lai phát triển bền vững.

Thứ trưởng Đông nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển đổi số nhanh chóng và hiệu quả; đồng thời, kỳ vọng sau một thời gian triển khai, Chương trình sẽ chứng minh được ý nghĩa, hiệu quả và sẽ có thêm nguồn lực ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội để có thể nhân rộng, mở rộng mục tiêu và hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp hơn.

“Mục tiêu chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ đạt được những thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn thách thức, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng tốc, phát triển,” Thứ trưởng Đông tin tưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục