Chuyển đổi số trong ngân hàng: Mở ra một “cánh cửa” mới

Chỉ với vài thao tác tại một máy rút tiền thế hệ mới hay "selfie" trên chính chiếc điện thoại di động thông minh, người dùng đã có thể sở hữu ngay một tài khoản ngân hàng chỉ sau vài phút.
Chuyển đổi số trong ngân hàng: Mở ra một “cánh cửa” mới ảnh 1Khách hàng giao dịch tại NCB Trần Khát Chân (Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chỉ với vài thao tác tại một máy rút tiền thế hệ mới hay "selfie" trên chính chiếc điện thoại di động thông minh, người dùng đã có thể sở hữu ngay một tài khoản ngân hàng chỉ sau vài phút thay vì phải tới phòng giao dịch xếp hàng chờ đợi và điền hàng loạt mẫu tờ khai với chi chít những con chữ nhỏ xíu.

Những tiện ích này đến từ sự vào cuộc rốt ráo của các ngân hàng trong cuộc đua chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu trải nghiệm công nghệ mới, nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng cũng như tiết giảm tối đa chi phí hoạt động.

Ngân hàng lớn, nhỏ cùng nhập cuộc

Đại dịch COVID-19 xuất hiện đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng trên toàn cầu. Đặc biệt với ngành ngân hàng, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dưới tác động của đại dịch COVID-19, các giao dịch ngân hàng trực tuyến trở nên quan trọng và có mức tăng trưởng đột biến.

Mặt khác, hầu hết khách hàng hiện nay đều là những người trẻ tuổi đam mê công nghệ và đều đang sử dụng công nghệ số cho những giao dịch và thanh toán của mình. Do vậy, chuyển đổi số trong ngân hàng là yêu cầu tất yếu để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng thời đại mới.

Gần đây nhất phải kể tới sự ra mắt của eKYC (giải pháp định danh điện tử) tại hàng loạt các ngân hàng như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…

Trước đây, khách hàng muốn mở tài khoản ngân hàng phải trực tiếp đến quầy giao dịch để đăng ký, xác minh thông tin, thì với eKYC, các thao tác này có thể thực hiện qua thiết bị di động.

Như tại SHB, ứng dụng ngân hàng điện tử SHB Mobile sẽ tự nhận dạng các thông tin và hình ảnh của khách hàng trên giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân còn hạn hoặc hộ chiếu) so sánh với hình chụp các góc khuôn mặt khách hàng để hoàn tất thủ tục định danh trực tuyến.

Sau khoảng 3 phút thực hiện, khách hàng có thể đăng ký gói tài khoản trực tuyến thành công. Giải pháp này giúp khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng nhanh chóng và bảo mật, thực hiện thành công 24/7 qua kênh online mà không cần đến quầy giao dịch, xếp hàng chờ đợi. Đây được xem là bước quan trọng để các ngân hàng đẩy nhanh quá trình số hóa.

[Chuyển đổi số ngành ngân hàng: An toàn thông tin là thách thức]

Trước đó, mô hình LiveBank với 330 máy giao dịch tự động không cần nhân viên trên cả nước cũng được xem là một trong những thành công lớn của TPBank trong việc ứng dụng số hoá ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, ước tính 3 máy Live Bank có thể thay thế một chi nhánh ngân hàng. Live Bank có thể đảm đương khoảng 80% giao dịch truyền thống trừ cho vay (do vướng các quy định về pháp lý), giúp giải bài toán mở rộng mạng lưới hoạt động nhưng vẫn đảm bảo tiết giảm chi phí và tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Chưa dừng lại ở đó, TPBank đã sử dụng các ứng dụng công nghệ số bằng robot để thay thế lao động giản đơn, "làm thay" những công việc lặp lại, nhàm chán, đơn giản mà trước kia phải bố trí nhân viên để làm. Đối với các nhân sự được thay thế, ngân hàng chuyển sang đào tạo lại để thế vào các công việc mà công nghệ và AI không thể làm được.

Hay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank), robot cũng đã được ứng dụng vào việc hỗ trợ giao dịch (Robot OPBA).

Cuộc đua chuyển đổi số không chỉ chứng kiến sự bứt phá của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mà còn có sự nhập cuộc của các "ông lớn" quốc doanh như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng "BIDV Digi Up"; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) với kế hoạch xây dựng ứng dụng "chatbot" (robot tự động nói chuyện, tương tác với khách hàng) “đa nhiệm” hơn.

Trái ngọt từ chuyển đổi số

Triển khai eKYC từ đầu tháng 8/2020, ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank cho biết, lượng khách hàng đăng ký mới tăng 30% mỗi tháng trên app HDBank. Thống kê cho thấy 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên và tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.

"Điều này cho thấy eKYC đã góp phần dẫn dắt người dùng chuyển đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp tại ngân hàng sang giao dịch trực tuyến nhằm hướng đến sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp", ông Trần Quốc Anh khẳng định.

Chuyển đổi số trong ngân hàng: Mở ra một “cánh cửa” mới ảnh 2Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt chi nhánh Hải Phòng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong khi đó tại TPBank, "sau 8 năm ứng dụng chuyển đổi số, TPBank từ vị trí đứng thứ 42 trong số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã vươn lên với tổng tài sản hơn 200.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân từ 30-40% mỗi năm trong khi lượng nhân sự chỉ tăng từ 3-4%," ông Nguyễn Hưng chia sẻ.

Số liệu từ TPBank cho thấy nhờ triển khai tự động hóa và số hóa giảm được 30-40% nhân sự, tiết kiệm 60% thời gian giải ngân khoản vay, 30-60% thời gian giao dịch tại quầy. Lượng người dùng dịch vụ ngân hàng số của TPBank đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua, trung bình hơn 30%/năm.

Vị Tổng Giám đốc này cũng dự kiến sang năm 2021, sẽ triển khai thêm 140 robot, ngoài ra ứng dụng công nghệ Big Data, AI... vào ngân hàng. Ngân hàng sẽ phát triển theo kiểu hiện đại, khách hàng là trung tâm, dữ liệu là thứ rất quan trọng.

Chuyển đổi số ngân hàng đã mở ra một “cánh cửa” mới giúp các tổ chức tài chính tiếp cận khách hàng tiềm năng của họ dễ dàng và rẻ hơn. Các công nghệ mới đang dần thay đổi cách thức hoạt động của ngân hàng truyền thống.

Tuy vậy, theo giới chuyên gia các quy định pháp luật cũng cần phải bắt kịp tốc độ chuyển đổi của các ngân hàng, như việc ban hành quy định cơ chế thử nghiệm Sandbox hoặc đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân và chia sẻ thông tin.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhấn mạnh: "Thời gian tới cần phải lưu tâm giải quyết vấn đề về hệ sinh thái, hạ tầng công nghệ thông tin-viễn thông, cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân toàn quốc...

Đặc biệt, an ninh bảo mật cũng cần được quan tâm để một mặt cung cấp dịch vụ tiện ích cho khách hàng nhưng mặt khác vẫn đảm bảo an toàn về thông tin bảo mật, giao dịch. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý hiện tương đối chậm, trong khi yêu cầu thời cuộc đòi hỏi phải nhanh và kịp thời hơn nữa."

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin.

Trong vòng 3-5 năm tới, khoảng 83% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; 58% ngân hàng kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số và hơn 44% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục