Truyền thông Mỹ ngày 22/7 dẫn lời một quan chức cao cấp của tình báo Mỹ cho biết không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Nga dính líu trực tiếp vào vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines.
Tuy nhiên, theo tờ New York Post, quan chức này vẫn khẳng định, căn cứ vào hình ảnh vệ tinh, mảnh vỡ của máy bay cũng như các bài viết trên mạng xã hội của lực lượng ly khai Ukraine, nhiều khả năng cho thấy lực lượng này đã sử dụng tên lửa đất đối không BUK (Mỹ và NATO gọi là SA-11) bắn hạ máy bay Boeing 777-200.
Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Royal United (RUSI), đã cho tờ MailOnline biết rằng quả tên lửa SA-11 (Buk) được dùng để tấn công máy bay có thiết bị bắt bám mục tiêu và được lập trình để nổ gần máy bay. Cú nổ sẽ làm bắn ra các mảnh vỡ tên lửa giống như những thanh thép, xé rách toạc thân máy bay.
“Các mảnh vỡ sẽ bắn vào cánh, động cơ, bình chứa nhiên liệu, đốt cháy nhiên liệu. Một chiếc máy bay cỡ lớn thường được tăng áp suất lên rất cao để cho phép con người thở bình thường ở độ cao lớn. Vì thế khi trúng lên lửa, nó sẽ nổ tung ngay lập tức” – Bronk nói – “Gần như chẳng có ai trên MH17 biết chuyện gì đang xảy ra. Nếu không tử vong ngay, họ cũng sẽ bất tỉnh chỉ trong nháy mắt”.
Theo các chuyên gia quân sự, 298 hành khách đi trên chuyến bay MH17 có thể đã chết ngay hoặc ngất xỉu sau khi chiếc máy bay bị trúng tên lửa.
"Bạn phải nhận những lực khủng khiếp khiến cho việc sống sót là gần như không thể” - James Vosswinkel, chuyên gia chấn thương và chăm sóc hậu phẫu tại Đại học bang New York nói với trang tin Bloomberg – “Chẳng ai còn tỉnh táo hoặc cảm thấy máy bay đang rơi”.
Vosswinkel đã lãnh đạo một nghiên cứu về vụ tai nạn của chiếc máy bay mang số hiệu TWA 800, đã phát nổ và rơi xuống Long Island, New York vào năm 1996.
Thi thể của 230 hành khách trên TWA 800 được thu hồi từ biển và người ta không thấy nước trong phổi họ, cho thấy họ đã chẳng còn sống khi chạm mặt nước.
Bill Waldock, một giáo sư về khoa học an toàn ở Đại học hàng không, không gian Embry-Riddle, đã nói với Bloomberg rằng các chứng cứ ở hiện trường cho thấy tên lửa đã bắn trúng gần đuôi máy bay và khiến nó vỡ tung.
“Quả tên lửa đó dùng một cơ chế kích nổ dựa trên khoảng cách và chỉ phát nổ khi ở gần mục tiêu” - Waldock nói – “Đầu đạn sẽ giống như một viên đạn súng săn khổng lồ, bắn vô số mảnh vỡ xuyên qua máy bay. Không rõ nó có trúng thân máy bay không, nhưng một khi đã mất đuôi, anh không thể điều khiển máy bay. Ngoài ra vụ nổ còn gây giảm áp, làm hình thành rất nhiều lực G, ép chặt người ta vào ghế ngồi”.
Waldock, người đã nghiên cứu gần 2.000 vụ rơi máy bay nói rằng trong khi phải mất vài phút để máy bay rơi xuống đất từ độ cao 10.000 mét, tình trạng thiếu ô xy có thể khiến bất kỳ ai sống sót sau vụ nổ ban đầu bất tỉnh”./.