Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu cân đối biện pháp quản lý thì thị trường vàng Việt Nam sẽ vận hành hiệu quả hơn. Trong khi đó, biến động tỷ giá hiện nay vẫn nằm trong biên độ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, chưa đến mức phải lo lắng về việc sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp.
Tỷ giá tăng do yếu tố mùa vụ
- Tỷ giá trong quý 1 đang tăng nhanh, ông nhận định thế nào về cách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, liệu những biến động trên thị trường thế giới có gây rủi ro cho nền kinh tế trong nước hay không?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Về cách điều hành tỷ giá chúng ta phải nhìn dài hạn một chút. Tỷ giá có một giai đoạn biến động tương đối lớn ở cuối năm 2022, khi vượt ra ngoài biên độ cho phép là 3% của Ngân hàng Nhà nước. Sau đó Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nới rộng biên độ lên 5%, từ đó chúng ta thấy biến động tỷ giá của Việt Nam nằm trong biến động chung của đồng USD trên thị trường thế giới.
Tỷ giá tại các ngân hàng tăng phiên thứ 4 liên tiếp, giá vàng nhích nhẹ
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm là 24.141 VND/USD, tăng tới 45 đồng kéo theo tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng tăng từ 40-48 đồng.
Bản thân chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%, hiện dao động quanh mức 106 (thời điểm cao nhất cuối năm 2022 lên 107). Do vậy, chưa tính đến các yếu tố khác, áp lực dẫn đến USD tăng so với VND trước tiên đến từ chính bản thân đồng USD.
Biến động tỷ giá trong thời gian qua vẫn nằm trong khung điều hành chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Ngoài ra biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường vào quý đầu năm cầu ngoại tệ sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân. Đây là những động thái tự nhiên của thị trường.
Tôi cho rằng diễn biến tỷ giá là phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ của Ngân hàng Nhà nước, chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp. Theo tôi, cần phải xác định rằng việc tỷ giá biến động là hết sức bình thường. Chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi không phụ thuộc hoàn toàn vào một nền kinh tế mà là diễn biến chung của kinh tế khu vực và thế giới.
Cần cân đối các biện pháp quản lý vàng
- Thời gian gần đây, giá vàng thế giới tăng mạnh, một trong những nguyên nhân là các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng mua dự trữ rất nhiều. Điều này cũng kéo theo giá vàng trong nước, đặc biệt giá vàng nhẫn biến động mạnh. Nếu giá vàng tiếp tục tăng thì tác động tiêu cực như thế nào đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Theo tôi, với thị trường vàng thế giới, thông thường vàng được dùng là công cụ quản lý rủi ro khi có những biến động về chính trị. Động thái mua ròng vàng thể hiện phản ứng của các ngân hàng Trung ương đối với những biến động chính trị thời gian qua.
Trên thực tế trong bối cảnh địa chính trị thuận lợi, nhu cầu vàng sẽ thấp. Ngược lại, khi địa chính trị căng thẳng, nhu cầu vàng sẽ cao. Còn thị trường vàng trong nước biến động chủ yếu do cung cầu, nhưng yếu tố tâm lý của thị trường cũng khá đặc thù.
Thứ nhất, ở góc độ quản lý cung cầu. Cung trong nước có những hạn chế nhất định, do đó, khi có những biến động về tâm lý hay các công cụ đầu tư khác không hấp dẫn thì vàng trở thành công cụ đầu tư, nên giá vàng tăng.
Thứ hai, ở góc độ quản lý nhà nước đối với vàng. Vàng cũng tương tự như ngoại tệ đồng thời cũng là hàng hoá cơ bản, nhưng cách tiếp cận thị trường vàng vẫn mang tính hành chính, nên khi có biến động cung cầu thì cách kiểm soát vẫn mang tính hành chính.
ADB không tham gia vào quá trình sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng về nguyên tắc, nếu tiếp cận kết hợp, cân đối biện pháp quản lý nhà nước theo các góc độ thì thị trường vàng sẽ vận hành hiệu quả hơn. Cụ thể như kết hợp việc quản lý vàng tương tự như một công cụ tiền tệ và sản phẩm tài chính để đầu tư đồng thời cũng là hàng hóa có cung-cầu.
Lãi suất thấp sẽ thúc đẩy các dịch vụ tiêu dùng
- Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều chỉnh một số lãi suất điều hành nhằm hạ mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại. ADB đánh giá như thế nào về các biện pháp này và điều này tác động thế nào đến kinh tế trong nước?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Tăng trưởng sụt giảm trong quý 4/2022 đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất điều hành 4 lần trong năm 2023, với mức giảm lãi suất 1,5%. Việc cắt giảm này đã làm gia tăng khoảng cách giữa lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, gia tăng áp lực lên đồng nội tệ, khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp sụt giảm và làm tăng rủi ro lạm phát từ bên ngoài. Điều này cũng khiến VND đã mất giá 1,2% so với USD trong năm 2023.
Tiếp sau các đợt giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động bình quân từ 3%-5% để gia tăng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng sử dụng những cơ chế tín dụng khác để thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 13,5%, trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng vọt lên 10,3% vào cuối năm 2023.
Chúng tôi nhận định lãi suất trong nước thấp, các biện pháp chính sách tài khóa và tăng lương sẽ thúc đẩy các dịch vụ tiêu dùng trong năm 2024. Doanh số bán lẻ trong quý 1/2024 cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động kinh tế phục hồi dù chậm nhưng sẽ thúc đẩy các dịch vụ logistic, trong khi chính sách thị thực cởi mở hơn sẽ thúc đẩy du lịch. Về tổng thể, ngành dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng 7,7% trong năm 2024. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa nông nghiệp và các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu nông sản.
Chính sách tiền tệ sẽ theo đuổi mục tiêu kép là bình ổn giá và tăng trưởng, ngay cả khi không gian chính sách bị hạn chế. Tình trạng suy thoái dự kiến của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể kiềm chế giá dầu toàn cầu, từ đó làm giảm áp lực lạm phát. Lạm phát bình quân trong quý 1 đã giảm còn 3,8% so với mức cao hơn 4,2% cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát được dự báo tăng nhẹ lên tới 4% trong năm 2024 và 2025. Mặc dù dự báo lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu 4%-4,5%, song áp lực trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại do những căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!