Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) Gregory Poling cho rằng, các vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cần được đặt sang một bên để bảo vệ môi trường, bởi nhiều năm qua, hoạt động đánh bắt không được kiểm soát và công tác bồi đắp các đảo trong thời gian gần đây của Trung Quốc khiến lượng cá đánh bắt bị sụt giảm.
Một báo cáo năm 2017 của AMTI cho biết, hơn 160km2 dải san hô ngầm “đã bị hủy hoại hoặc tàn phá nghiêm trọng” do “tình trạng đánh bắt trai, nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo ở quy mô lớn.”
Ông Poling kêu gọi: “Tất cả các bên cần gác lại những tranh cãi liên quan tới chủ quyền, bởi theo luật pháp quốc tế, bạn có nghĩa vụ phải bảo vệ môi trường và nguồn cá kể cả khi các tranh chấp đang gay gắt.”
[Giới chức Indonesia kêu gọi ngừng đánh chìm tàu cá nước ngoài]
Theo ông, các ngư trường trên toàn khu vực Biển Đông đang có nguy cơ bị phá hoại trừ khi các bên cùng tuyên bố chủ quyền hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng này.
AMTI đề xuất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) cần bao gồm thêm điều khoản, quy định các bên cùng tuyên bố chủ quyền chịu trách nhiệm bảo vệ đa dạng sinh học trên biển trong phạm vi 320km tính từ bờ biển của họ và 20km từ tiền đồn họ kiểm soát.
Ông Poling cho biết đề xuất này đã nhận được phản hồi tích cực từ phía Việt Nam, tuy nhiên ông chưa thảo luận chính thức vấn đề này với Trung Quốc.
Chuyên gia này nhận định có khả năng thuyết phục được Trung Quốc nhất trí với điều khoản này bởi đây là lĩnh vực họ có thể chứng tỏ vai trò đầu tàu./.