Chuyên gia Mỹ nghi vụ nổ ở Nga là thử nghiệm động cơ tên lửa hạt nhân

Chuyên gia Mỹ nhận định một vụ nổ động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng thì không thể phát tán phóng xạ sau khi có thông tin cho rằng xuất hiện xung chấn "ngắn hạn" về bức xạ mặt đất sau khi xảy ra sự cố.
Thao trường quân sự của Bộ Quốc phòng Nga ở tỉnh Arkhangelsk, vùng cực Bắc Nga - nơi xảy ra vụ tai nạn thử nghiệm động cơ đẩy nhiên liệu lỏng khiến 5 người thiệt mạng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thao trường quân sự của Bộ Quốc phòng Nga ở tỉnh Arkhangelsk, vùng cực Bắc Nga - nơi xảy ra vụ tai nạn thử nghiệm động cơ đẩy nhiên liệu lỏng khiến 5 người thiệt mạng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin, các chuyên gia hạt nhân Mỹ ngày 9/8 cho rằng họ nghi ngờ một vụ tai nạn cháy nổ và phát tán bức xạ ở phía Bắc nước Nga trong tuần này là xảy ra trong quá trình thử nghiệm một động cơ tên lửa đẩy hạt nhân vốn được Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu hồi năm ngoái.

Truyền thông nhà nước dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết hôm 7/8 có 2 người chết và 6 người khác bị thương trong một vụ nổ mà Moskva gọi là động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng và không có thiệt hại nghiêm trọng về vật chất.

Trong khi đó, Tập đoàn nguyên tử quốc doanh Rosatom sáng 10/8 cho hay 5 nhân viên của họ đã thiệt mạng.

[Nga: 5 người thiệt mạng trong vụ nổ động cơ đẩy nhiên liệu lỏng]

Nữ phát ngôn viên của vùng Severodvinsk, thành phố có 185.000 dân nằm gần bãi thử ở khu vực Arkhangelsk đã có tuyên bố trên trang web của địa phương cho biết có xung chấn "ngắn hạn" về bức xạ mặt đất đã được ghi nhận vào chiều 7/8. Nhưng sau đó thông báo này đã bị gỡ khỏi trang web trong ngày 8/8.

Trong hai cuộc phỏng vấn riêng rẽ với Reuters, hai chuyên gia Mỹ cho rằng một vụ nổ động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng thì không thể phát tán phóng xạ được.

Họ nghi ngờ rằng vụ nổ và phóng xạ phát tán là kết quả của một tai nạn trong quá trình thử nghiệm động cơ tên lửa đẩy hạt nhân tại một cơ sở bên ngoài ngôi làng Nyonoksa. 

Ankit Panda, một trợ lý cấp cao cộng tác với Liên đoàn Khoa học Mỹ cho rằng: "Động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng nổ không tạo ra phóng xạ, và chúng ta biết rằng người Nga đang nghiên cứu một số loại động cơ đẩy hạt nhân dùng trong tên lửa hành trình"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.