Theo Đài Sputnik, việc Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ vẫn muốn rút quân khỏi Syria là do thực tế việc triển khai những nhóm quân nhỏ như vậy ở quốc gia xung đột này là vô nghĩa và không đóng góp cho một giải pháp chính trị.
Nhận định này được ông Viktor Murakhovski, thành viên Hội đồng cố vấn của Tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga chia sẻ với Đài Sputnik hôm 16/4.
Ông Murakhovski cho rằng: "Hiện Mỹ đang triển khai ở Syria chủ yếu là lực lượng lính đặc nhiệm, tuy nhiên quân số của lực lượng này rất nhỏ. Nếu tính về dài hạn, số quân như vậy không thể kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trong phạm vi biên giới Syria."
[Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn muốn rút quân khỏi Syria]
Theo chuyên gia này, sự hiện diện của lính đặc nhiệm Mỹ ở Syria chỉ là một kịch bản tạm thời, chủ yếu nhằm hỗ trợ các lực lượng chính trị ủng hộ Washington.
Chuyên gia này nhấn mạnh: "Người Mỹ đang cố gắng dựa vào các lực lượng này về lĩnh vực chính trị. Chỉ có mục tiêu chính trị, còn mục tiêu quân sự ở đó không thể được giải quyết chỉ bằng một lực lượng nhỏ như vậy, do đó sự hiện diện của họ là vô nghĩa. Lực lượng này chỉ đóng vai trò như "cái khiên" chống lại những cú tấn công của quân đội chính phủ, song để thực hiện nhiệm vụ với tư cách 'cột thu lôi' thì họ không đủ khả năng."
Trước đó, ngày 14/4, liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã tấn công tên lửa vào các cơ sở của Chính phủ Syria với cái cơ "đáp trả" vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta của Syria hôm 7/4 khiến ít nhất 80 người thiệt mạng.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Syria đã bắn hạ 71 trong số 103 tên lửa hành trình trong cuộc tấn công của các nước phương Tây nói trên. Bộ cũng cho hay lực lượng phòng không Syria đã sử dụng 112 tên lửa đất đối không trong cuộc tấn công này./.