Chuyên gia nhóm "Sáng kiến Việt Nam" bình luận phương án thi 2017

Các chuyên gia nhóm Sáng kiến Việt Nam phân tích phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2017 dựa trên khoa học khảo thí và kinh nghiệm quốc tế.
Chuyên gia nhóm "Sáng kiến Việt Nam" bình luận phương án thi 2017 ảnh 1Học sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016. (Nguồn: TTXVN)

Tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2017 và lộ trình thi cử các năm tiếp theo. Nhóm nghiên cứu giáo dục thuộc Sáng kiến Việt Nam đưa ra một số phân tích dựa trên khoa học khảo thí và kinh nghiệm quốc tế.

Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài viết của phó giáo sư Trần Ngọc Anh, Trường Đại học Indiana, nghiên cứu sinh Phạm Ngọc Duy - Trường Đai học Massachusetts Amherst, Hoa Kỳ và Nhóm Giáo dục thuộc Sáng kiến Việt Nam thực hiện.

Sáng kiến Việt Nam là một Trung tâm toàn cầu nghiên cứu và đào tạo về chính sách phát triển cho Việt Nam, lớn nhất ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sáng kiến Việt Nam có mạng lưới các giáo sư, chuyên gia đến từ trên 30 đại học danh tiếng, các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế tại Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Singapore, Úc và Việt Nam.

Sau đây là nội dung bài viết: ​

"Mỗi thay đổi dù lớn hay nhỏ liên quan đến thi cử trong hệ thống giáo dục đều dễ làm cho học sinh, phụ huynh, các thầy cô giáo lo lắng và phản ứng. Bản thân chúng tôi cũng đã từng trải qua các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học ở Việt Nam.

Chúng tôi vẫn còn nhớ cảm giác dậy từ hơn 5 giờ sáng để đi đến địa điểm thi để tránh tắc đường mang theo nỗi lo lắng của cả gia đình. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với những áp lực mà học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo đang phải trải qua lúc này.

​Liệu học sinh có bị quá tải không? ​

Lo lắng lớn nhất của thí sinh hiện nay có lẽ là lo sợ bị quá tải khi phải làm 3 môn khác nhau trong một bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam thiết kế bài thi như vậy trên diện rộng. Các bài thi tương tự trên thế giới như ACT, SAT, bài thi cuối của phổ thông trung học của một số bang của Hoa Kỳ, SweuSAT của Thụy Điển, PET của Israel cũng được chia ra thành nhiều phần khác nhau.

Mỗi phần có từ 20-60 câu hỏi. Thí sinh làm từng phần trong khoảng từ 20 cho đến 60 phút. Tổng thời gian thi các bài là khoảng 4 giờ. Khoa học do lường giáo dục của các nước kể trên đã kiểm nghiệm và chỉ ra thời gian thi như vậy là tối ưu và không gây căng thẳng quá cho thí sinh.

Còn tại Việt Nam, hai năm gần đây, các đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng được thiết kế theo hướng thí sinh làm nhiều phần thi sử dụng kiến thức của các môn khác nhau trong khoảng hơn 3 tiếng và đã không gây quá tải. ​

​Phương án xây dựng đề thi năm nay cũng được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2015. Đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế và phát triển dựa trên tư vấn của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đến từ ETS Hoa Kỳ, Bộ môn Đo lường Đánh giá giáo dục và các giáo viên, giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các kết quả nghiên cứu định lượng để xác định giá trị của điểm số các kỳ thi đánh giá năng lực này đã được công bố rộng rãi. Phân tích độc lập của chúng tôi cho thấy đề thi Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng đã tiệm cận với chất lượng đề thi ở các nước phát triển.

Ví dụ như độ tương quan giữa điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và điểm thi trung học phổ thông quốc gia 2016 tính trên mẫu thí sinh trúng tuyển là 0.545. Đây là mức tương quan phổ biến của điểm bài thi cùng thể loại nổi tiếng trên thế giới như SAT hay ACT.

Vì sao nên là bài thi tổng hợp thay vì bài thi riêng lẻ theo khối như trước?

Học là để phục vụ cuộc sống, mà nhiều vấn đề đặt ra trong cuộc sống không thể dùng kiến thức đơn thuần một môn học giải quyết. Bài thi tổ hợp năm nay và sau này là các bài thi tổng hợp nhằm khắc phục sự đánh giá thiếu toàn diện so với kiểu thi theo khối.

Chính vì vậy bài thi cuối phổ thông trung học của các nước tiên tiến trên thế giới hầu hết đòi hỏi thí sinh phải giải quyết các vấn đề dựa trên kiến thức tổng hợp, mặc dù khi học thì vẫn có các môn riêng biệt.

Ở Việt Nam, thí sinh thi Học viện ngoại giao chỉ theo khối A hoặc D, mà không hiểu về lịch sử, văn hóa, địa lý của Việt Nam thì khó mà bảo vệ được chủ quyền và lan tỏa văn hóa Việt.

Gần đây ngành y tế cũng thừa nhận kiến thức về văn và kỹ năng giao tiếp là hạn chế phổ biến của đội ngũ cán bộ y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong khi các môn này chưa phải môn thi đầu vào khối y, dược (toán, hóa, sinh). ​

Liệu phương án thi mới này có lợi hơn cho thí sinh?

Tăng số câu trắc nghiệm sẽ giảm rủi ro cho thí sinh vì 3 lý do.

Thứ nhất, nhiều câu hỏi hơn nên nếu chẳng may có vấn đề nào không nắm chắc thì chỉ bị mất điểm một phần nhỏ. Thứ hai, không có các câu hỏi dài cũng giảm rủi ro hơn vì nếu các em làm nhầm một bước trong câu hỏi dài thì các bước sau sẽ mất hết điểm.

Thứ ba, điểm thi trắc nghiệm không phụ thuộc vào chủ quan của người chấm, sẽ công bằng hơn. ​Theo khoa học khảo thí thì kết quả thi phụ thuộc vào hai yếu tố chính là "độ phức tạp" của câu hỏi và "sự rèn luyện" của thí sinh. Câu hỏi càng phức tạp, thí sinh sẽ cần rèn luyện nhiều hơn.

Đối với các bài thi trắc nghiệm, các câu hỏi thường không quá phức tạp. Do vậy, nhu cầu rèn luyện để có thể làm tốt các câu hỏi trắc nghiệm cũng không cao.

Các tổ chức cung cấp các đề thi nổi tiếng thế giới như ACT, College Board cũng luôn nhấn mạnh với thí sinh rằng, việc học tập nghiêm túc ở trường cấp 3 là cách tốt nhất để chuẩn bị cho các kỳ thi của họ.

Việc luyện thi có thể giúp cho thí sinh làm quen tốt hơn với các đề thi nhưng luyện thi nhiều lại không hề tác động đáng kể tới kết quả thi. Ngoài ra, đề thi mới được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực chứ không hướng tới kiểm tra việc ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, không yêu cầu thí sinh phải thực hiện các tính toán phức tạp, sử dụng các kỹ thuật giải lắt léo. Do vậy, điều này sẽ càng giảm tải cho thí sinh.

Những phân tích trên đây cho thấy chất lượng thi 2017 sẽ được cải thiện tốt hơn so với cách làm các năm trước đây.

Một số đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo ​

Từ những phân tích trên đây, chúng tôi có một bốn khuyến nghị như sau: Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố đề thi mẫu theo đúng lộ trình đã đề ra để xã hội tham khảo và yên tâm.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các cơ quan hữu quan khác như Bộ Công an cần lên phương án chi tiết tổ chức kỳ thi này để đảm bảo kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc. Cần phân công nhiệm vụ và quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân tham gia thi để đảm bảo chất lượng, tính công bằng của kỳ thi.

Thứ ba, mỗi bài thi 3 tiếng không phải là dài so với các đề thi quôc tế. Tuy nhiên, trong cả đợt, thí sinh phải thi liền hai ngày. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể có lộ trình phù hợp để chuyển dần từ bài thi tổ hợp sang bài thi tổng hợp nhằm giảm số lượng câu hỏi cũng như thời lượng của bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Thứ tư, trong tương lai khi hệ thống đã đi vào ổn định hơn, kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh đại học (nếu có) nên được tổ chức nhiều lần trong năm, như ở một số nước phát triển. Nếu được như vậy, áp lực và rủi ro thi cử có thể được giảm thiểu một cách đáng kể, vì thí sinh có cơ hội thi nhiều lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục