Nhân sự kiện một loạt các cuộc đàm phán giữa Mỹ, NATO và Nga diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần qua để tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine và an ninh châu Âu, phóng viên TTXVN tại Pháp đã có cuộc trao đổi với bà Tatiana Kastoueva-Jean, Giám đốc trung tâm Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, về vấn đề trên cũng như về quan hệ chung giữa Nga và phương Tây.
Theo bà Kastoueva-Jean, tuần qua là một tuần khá đặc biệt vì đã diễn ra một loạt các cuộc đàm phán về các vấn đề có tầm quan trọng thiết yếu đối với an ninh của châu Âu. Trọng tâm là cuộc thảo luận giữa Mỹ và Nga. Sau đó là cuộc thảo luận giữa các thành viên NATO và Nga. Và cuối cùng là các cuộc thảo luận giữa các thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Tuy nhiên, tất cả đều xoay quanh vấn đề trọng tâm là Ukraine và cuộc khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết từ năm 2014.
Nga cho rằng việc NATO mở rộng và lắp đặt khí tài quân sự tại các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa trước đây, như Romania hay Ba Lan, là mối đe dọa an ninh của Nga. Moskva này muốn tiến trình đó phải kết thúc.
[NATO khẳng định sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Nga]
Bà Kastoueva-Jean nhận định thành tựu "ngoạn mục" của các cuộc đàm phán này, đó là người Mỹ đã đồng ý đề cập đến các mối quan tâm của Nga, trong khi trước đây, mọi yêu cầu mà Moskva đưa ra đều bị gạt sang một bên và không được lắng nghe.
"Còn bây giờ, họ đã nói chuyện với nhau, rất thẳng thắn, cởi mở, trao đổi những điều mà hai bên có thể đi đến giải quyết, giải thích những vấn đề mà các bên muốn bảo lưu, ở cả phía Nga và bên kia là Mỹ cùng phương Tây," bà nhấn mạnh.
Dù vậỵ, theo bà Kastoueva-Jean, đây cũng là một tuần "chẳng có gì chắc chắn" và "chưa biết kết quả sẽ đi đến đâu."
Nếu đây là bước khởi đầu của một quá trình đàm phán thì cũng sẽ mất nhiều thời gian bởi vấn đề được đưa ra sẽ rất rộng với nhiều khúc mắc ở mỗi bên.
Bà cảnh báo: "Bên nào cũng có quan điểm của mình, và nếu những bất đồng đó không được giải quyết, nếu Mỹ, NATO, một bên, và bên kia là Nga, cứ giữ ý kiến riêng mà không tìm ra giải pháp chung để cùng quản lý những mối quan tâm này, thì hai bên sẽ lại có thể bị cuốn vào những căng thẳng ngày càng leo thang."
Liên quan đến động thái Liên minh châu Âu (EU) không được mời tham dự đàm phán, dù khối này đóng vai trò quan trọng trong an ninh châu Âu, cũng như trong giải quyết khủng hoảng Ukraine - vốn nằm ở vị trí trọng tâm của an ninh châu Âu, bà Kastoueva-Jean cho rằng có thể do Moskva không còn muốn thảo luận với Brussels với tư cách đối tác nữa. Moskva có thể cho rằng các nước Baltic hoặc của Ba Lan có ảnh hưởng quá mạnh.
Nhìn bề ngoài dường như EU bị gạt ra ngoài lề, song theo bà Kastoueva-Jean, cũng không thể nói là EU hoàn toàn bị đặt sang một bên.
"Như tôi đã nói, có một loạt các cuộc đàm phán đã diễn ra, trong đó cũng có cả những cuộc đàm phán với NATO, mà một số quốc gia thuộc EU vốn là thành viên của tổ chức này. Ngoài ra còn có các cuộc thảo luận trong Tổ chức An ninh Châu Âu, mà trong đó chắc chắn vẫn có các thành viên của EU tham gia," bà Kastoueva-Jean phân tích.
Bà Kastoueva-Jean nói thêm: "Nhưng cũng phải công nhận một điều là châu Âu đã thất bại trong việc quản lý các cuộc xung đột xảy ra trên lục địa của mình. Pháp và Đức là thành viên của NATO. Họ đóng vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình Minsk. Tuy nhiên, tiến trình này đang bị rơi vào bế tắc. Và vì vậy, người Nga muốn nói chuyện trực tiếp với Mỹ để giải quyết cuộc xung đột này càng nhanh càng tốt."
Chia sẻ nhận định về hướng phát triển của quan hệ giữa Nga và Mỹ cùng NATO, bà Kastoueva-Jean cho rằng các cuộc gặp gỡ này vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào và sẽ còn tiếp diễn. Tuần tới, Mỹ sẽ đưa ra các đề xuất để đáp ứng hai dự thảo hiệp ước đã được Nga đưa ra ngày 17/12/2021. Vì vậy, cần phải đợi một vài ngày trước khi thấy được kết quả một cách rõ ràng.
"Nhưng như tôi đã nói, nước nào cũng đều có những quan tâm rất lớn và những yêu cầu thực sự trái ngược nhau, đến mức không thể chắc chắn rằng có thể tìm ra giải pháp phù hợp cho tất cả các bên trong vấn đề này. Từ đó, có thể hình dung một cách rõ ràng là sẽ có những diễn biến mới trong cuộc xung đột này, những thăng trầm, những leo thang mới và cả những nỗ lực mới để giải quyết các vấn đề," bà Kastoueva-Jean kết luận./.