Ngày 20/10, truyền thông Trung Đông dẫn nhận của chuyên gia phân tích về lĩnh vực an ninh Nicholas Heras cho hay, đã có nhiều cáo buộc rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng các loại vũ khí có chứa chất cấm nhằm vào dân thường trong cuộc tấn công của Ankara ở miền Bắc Syria.
Theo ông Heras, những cáo buộc đối với hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là đáng tin cậy.
Báo Arab News dẫn lời nhà phân tích thuộc Trung tâm An ninh Quốc gia Mỹ mới (CNAS) này nêu rõ "hiện có nhiều báo cáo đáng tin cậy về việc Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng đạn có chứa chất phốtpho trắng trong chiến dịch ở Đông Bắc Syria và đặc biệt nhằm vào những người ở Ras Al-Ain."
Trong khi đó, giới lãnh đạo người Kurd cho biết, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom napan và bom có chứa chất phốtpho trắng nhằm vào các mục tiêu dân sự ở thị trấn biên giới Ras Al-Ain, vốn là một mục tiêu chủ chốt của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) và Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) đang tiến hành điều tra về các vụ tấn công ở Ras Al-Ain.
[Syria: Lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc sử dụng chất độc hóa học]
Ngày 20/10, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã mô tả việc Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria là một cuộc "xâm lược," đồng thời nhấn mạnh Berlin coi hành động này là bất hợp pháp và Liên minh châu Âu (EU) có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara.
Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF của Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết Berlin bác bỏ hoàn toàn những lời biện minh mà Ankara đưa ra cho các chiến dịch tấn công các lực lượng người Kurd tại khu vực Đông-Bắc Syria của nước này.
Ông nhấn mạnh chính phủ Đức không thể đồng quan điểm với những gì đã xảy ra cũng như những cơ sở pháp lý mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để biện hộ cho hành động quân sự của nước này tại Syria.
Berlin không cho rằng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria là hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Đức cũng cảnh báo Berlin đang theo dõi sát hành động của Ankara sau thỏa thuận ngừng bắn mong manh, đồng thời nhấn mạnh chính phủ Đức không loại trừ khả năng sẽ tiến hành các biện pháp đối phó, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas được đưa ra trong bối cảnh hôm 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại quốc gia Trung Đông này.
Chiến dịch đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, sau 8 ngày tiến hành chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd tại Đông-Bắc Syria, hôm 17/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tạm dừng chiến dịch trong 5 ngày để lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực mà Ankara xác định là "vùng an toàn," đổi lấy một số nhượng bộ từ phía Mỹ.
Mặc dù vậy, chỉ một ngày sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cảnh báo sẽ nối lại chiến dịch quân sự vào tối 22/10 nếu thỏa thuận với Mỹ về việc tạm ngừng chiến dịch và cho phép các lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực không được thực thi đầy đủ./.