Trong số những nguyên nhân dẫn đến vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), các chuyên gia tài chính đặc biệt chú ý tới sự yếu kém của ngân hàng này trong quản lý rủi ro.
Yếu tố góp phần dẫn tới sự sụp đổ của SVB là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, khiến giá trị số trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn mà ngân hàng này nắm giữ nhanh chóng sụt giảm.
Trong vấn đề quản lý rủi ro, rủi ro lãi suất là điều được biết đến rộng rãi và không khó để giải quyết.
Các ngân hàng quản lý rủi ro này bằng việc dự phòng, mua các hợp đồng kỳ hạn hoặc các công cụ tài chính khác có thể tăng giá trị để bù lại những thiệt hại do việc bán trái phiếu khi chính sách thay đổi.
Ông Clifford Rossi, Cựu Giám đốc phụ trách quản lý rủi ro của Citigroup và là giáo sư tại Đại học Maryland, ngạc nhiên trước mức độ dự phòng rủi ro thấp của SVB. Ông ước tính chương trình dự phòng của ngân hàng này phải tăng gấp đôi quy mô.
Vào cuối năm 2022, SVB báo cáo giá trị chứng khoán đầu tư 120 tỷ USD, chiếm 55% tổng tài sản, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của các ngân hàng Mỹ.
[Tập đoàn SVB Financial Group nộp đơn xin bảo hộ phá sản]
Một sự việc đưa đến sự phá sản của SVB là ngân hàng này công bố vào ngày 8/3 việc đã bán 21 tỷ USD chứng khoán với mức lỗ 1,8 tỷ USD để huy động tiền mặt chi cho các hoạt động.
Giáo sư kinh tế Kris James Mitchener tại Đại học Santa Clara ở California cho rằng nếu SVB có đủ chương trình dự phòng thì sẽ có đủ lợi nhuận để bù lại những thiệt hại do việc bán các tài sản liên quan đến trái phiếu với mức giá lỗ.
Các cuộc sát hạch về sức ép của Fed với các ngân hàng lớn nhất của Mỹ trong năm 2022 đã không tính đến kịch bản lãi suất tăng mạnh./.