Chuyên gia vũ khí phân tích về tên lửa BUK đã bắn hạ MH17

Telegraph dẫn lời các chuyên gia cho biết xe phóng tên lửa di động do Nga sản xuất (nhưng không rõ do phe nào nắm giữ) có thể đã bắn hạ chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 ở Ukraine.
Chuyên gia vũ khí phân tích về tên lửa BUK đã bắn hạ MH17 ảnh 1Dàn tên lửa tầm trung BUK do Nga sản xuất. Cả quân đội Ukraine lẫn phe ly khai đều sở hữu loại vũ khí tối tân này (Nguồn: RIA Novosti)

Tờ Telegraph của Anh ngày 17/7 dẫn lời các chuyên gia cho biết xe phóng tên lửa di động do Nga sản xuất (nhưng không rõ do phe nào nắm giữ) có thể đã bắn hạ chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine. Các chuyên gia cho rằng xe tên lửa mang tên BUK hoàn toàn có khả năng bắn mục tiêu bay cao tới 24.000 mét.

BUK còn là cái tên dùng để gọi cả một hệ thống tên lửa phòng không hoàn chỉnh sản xuất dưới thời Liên Xô, với mỗi tên lửa được lắp các đầu đạn nặng 70kg. Hệ thống này chịu trách nhiệm bắn hạ tên lửa hành trình, máy bay và máy bay không người lái các loại. Thường được gắn trên xe bánh xích, hệ thống được sử dụng rộng rãi ở cả Nga và Ukraine.

Hãng tin Nga RT dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga nói quân đội Ukraine đã triển trai ít nhất 27 xe trang bị hệ thống BUK trước khi xảy ra vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ.

Còn Telegraph nói rằng trong đêm 17/7, một trong các hệ thống như thế được báo cáo đã xuất hiện tại khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh nổi dậy ở Đông Ukraine. 

Dù các tay súng ly khai ở đây có các hệ thống phòng không khác trong tay và đã sử dụng chúng để bắn hạ 2 máy bay Ukraine vào đầu tuần này, song chỉ BUK mới có đủ tầm bắn để hạ một chiếc máy bay chở khách đang di chuyển ở độ cao trên 10.000 mét.

Doug Richardson, biên tập viên chuyên viết về tên lửa và rocket tại tạp chí IHS Janes' International Defence Review, cho Telegraph biết rằng một hệ thống BUK thường gồm ba đơn vị độc lập, với mỗi đơn vị đều đặt trên xe bánh xích riêng. Chúng gồm một xe radar, một xe phóng tên lửa và một xe chỉ huy. Dưới các tình huống bình thường, hệ thống quan sát rõ hoạt động di chuyển trên không, hoàn toàn phân biệt được máy bay địch và máy bay dân sự.

Chuyên gia vũ khí phân tích về tên lửa BUK đã bắn hạ MH17 ảnh 2Đồ họa về tầm bắn của tên lửa BUK (Nguồn: ABC News)

Tuy nhiên xe phóng trong hệ thống có thể tách ra để hoạt động độc lập, dù radar kèm theo nó kém nhạy cảm hơn nhiều. Nếu các chiến binh ly khai sử dụng một xe phóng như thế, có khả năng họ đã không phân biệt được đâu là máy bay địch và đâu là máy bay chở khách dân sự.

"Một xe phóng tên lửa hoạt động độc lập có thể sẽ khó phân biệt được liệu một chiếc máy bay chở khách có phải bạn hay không" - Richardson nói - "Hiển nhiên còn quá sớm để kết luận tại thời điểm này, nhưng chuyện có khả năng xảy ra như thế."

Trong ngày 17/7, các tay súng ly khai ở Nga đã bác bỏ thông tin nói họ đang sở hữu BUK. Tuy nhiên hãng tin AP đưa tin rằng một trong các phóng viên của hãng đã thấy một xe phóng tên lửa trông rất giống BUK gần làng Snizhne vào sớm cùng ngày.

Các tay súng ly khai thuộc Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) chiếm đóng một doanh trại quân đội Ukraine trong ngày 29/6 đã tuyên bố thu được ít nhất một hệ thống vũ khí như thế. Họ còn tải ảnh về vũ khí này lên Twitter, tuy nhiên bức ảnh đã bị xóa sau khi tin máy bay chở khách bị bắn rơi xuất hiện.

Chuyên gia vũ khí phân tích về tên lửa BUK đã bắn hạ MH17 ảnh 3Mảnh vỡ của chiếc Boeing 777-200 có sơn màu đặc trưng của Malaysia Airlines (Nguồn: AFP)
Tuy nhiên, cũng có khả năng chiếc máy bay bị hệ thống BUK của Ukraine bắn hạ. Nhưng Richardson nói rằng phần lớn BUK trong tay quân chính phủ đều nằm tại các vị trí cố định và đã quen với lộ trình bay dân sự nên khó nhầm hơn. Các hệ thống BUK cần kỹ thuật viên có trình độ cao điều khiển nó và họ thường cần tới vài tháng huấn luyện để thành thục công việc. Tuy nhiên Richardson nói rằng có khả năng các tay súng ly khai từng đi nghĩa vụ quân sự cũng biết cách điều khiển hệ thống. Đầu đạn của BUK được kích hoạt bởi một radar chịu trách nhiệm xác định xem nó đã ở gần mục tiêu hay chưa. Tên lửa thường chỉ phát nổ cách mục tiêu vài mét hoặc vài chục mét và bắn các mảnh vỡ chết chóc về phía mục tiêu./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.