Chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số, Campuchia sẽ phát triển thế nào?

Nhận thức được xu thế toàn cầu và hiểu được tiềm năng của công nghệ trong việc tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, Campuchia sẵn sàng chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số.
Một góc Campuchia. (Nguồn: Daily Mail)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, vào tháng 3/2018, Chính phủ Campuchia tuyên bố kế hoạch sẵn sàng chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2023.

Nền kinh tế kỹ thuật số là nền kinh tế mà trong đó mọi hoạt động cũng như quy trình kinh tế đều dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số (các hệ thống và thiết bị điện tử cung cấp, chứa hoặc xử lý dữ liệu). Nền kinh tế kỹ thuật số sẽ thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới, cơ hội việc làm và phát triển kinh tế.

Nền kinh tế Campuchia tăng trưởng ước tính 7,1% trong năm 2018, chủ yếu dựa vào tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bất chấp thực tế khả quan này, hiện vẫn tồn tại những nguy cơ ở cả bên trong lẫn bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Campuchia trong tương lai, chẳng hạn như khả năng Liên minh châu Âu thu hồi chính sách Tất cả trừ vũ khí (EBA), tác động lan tỏa khó đoán định của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và những điểm yếu trong ngành tài chính của Campuchia liên quan đến lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Khả năng cạnh tranh của Campuchia tiếp tục giảm sút. Với khả năng cạnh tranh toàn cầu tụt từ hạng 109 xuống 110 thế giới trong năm 2017, Campuchia vẫn là một trong những nền kinh tế kém cạnh tranh nhất trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, nhân lực, đổi mới và khả năng quản trị là các thách thức lâu dài đối với nước này.

Nhận thức được xu thế toàn cầu và hiểu được tiềm năng của công nghệ trong việc tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, Campuchia sẵn sàng chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số trong 5 năm tới.

Để đạt được mục tiêu này, Campuchia cần một môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực mạnh mẽ. Campuchia hiện vẫn đang đi sau các nước láng giềng ASEAN về kỹ thuật số.

Cuối năm 2017, chỉ có 1/2 dân số Campuchia được tiếp cận Internet và tốc độ phát triển Internet hàng năm ở đất nước này tương đối thấp, chỉ có 12%, trong khi Việt Nam là 28%, Myanmar 29% và Lào 33%. Mặc dù vậy, Campuchia có tỷ lệ kết nối điện thoại di động cao. Ước tính có tới 29,2 triệu kết nối điện thoại di động ở đất nước này, 52% có 3G hoặc 4G phủ sóng rộng khắp.

Việc tiếp nhận công nghệ mới diễn ra khá chậm tại Campuchia do tình trạng thiếu đầu tư và không có lòng tin vào giao dịch trực tuyến hay tổ chức tài chính.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chỉ 22% trên tổng dân số người dân Campuchia có tài khoản ngân hàng, 3% có thẻ ngân hàng, 13% nhận được hoặc sử dụng thanh toán di động, và 0,6 % mua sắm trực tuyến hay thanh toán hóa đơn tục tuyến. Môi trường kỹ thuật số của Campuchia vẫn hạn chế, nhưng sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại đất nước này đang từng bước làm thay đổi cách con người sống và làm việc.

[Kinh tế Campuchia sẽ tiếp tục đà tăng trưởng khởi sắc trong trung hạn]

Có khoảng 130 công ty khởi nghiệp trong đủ các lĩnh vực tại Campuchia, bao gồm cả công nghệ tài chính, hậu cần và ngành công nghiệp đặt hàng trực tuyến.

Trình độ kỹ thuật số vẫn ở mức thấp trong tổng dân số, và tình trạng thiếu nhân lực lành nghề xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Theo báo cáo của Cơ quan Việc làm Quốc gia Campuchia, 78% nhà tuyển dụng trong lĩnh vực khách sạn và hơn 50% nhà tuyển dụng trong các lĩnh vực vận chuyển và hậu cần, y tế, giáo dục và đào tạo, thực phẩm và đồ uống, bảo hiểm và tài chính đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng.

Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) không thể tìm được nhân viên phù hợp. Khoảng cách trình độ đã kéo chậm sự phát triển của ngành công nghiệp, tăng chi phí cho các doanh nghiệp và tạo ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của Campuchia.

Campuchia đã có những bước tiến nhằm tạo môi trường pháp lý hỗ trợ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nhưng một chiến lược kinh tế kỹ thuật số toàn diện vẫn chưa được phát triển.

Kế hoạch tổng thể ICT 2020 và Chiến lược phát triển Viễn thông/ICT 2020 chỉ ra tầm nhìn, chiến lược và khung phối hợp, và sự điều chỉnh thể chế cho sự phát triển ICT. Campuchia đã nhận ra các thách thức cơ bản và hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực ICT.

Theo dự kiến, luật thương mại điện tử được mong đợi nhất của Campuchia sẽ được thông qua trong năm 2019. Bản dự thảo có 12 chương, chia làm 90 điều khoản về các chủ đề như thương mại điện tử, chữ ký điện tử, chính phủ điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ và trung gian.

Bản dự thảo cũng đề ra việc bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến và thông tin cá nhân của họ, cũng như mức phạt cho việc vi phạm những điều luật này.

Trước khi Campuchia nhận được bất kỳ lợi ích nào từ kỷ nguyên kỹ thuật số, các hàng rào còn cũng lại cần được loại bỏ. Một chiến lược kinh tế kỹ thuật số toàn diện và một lộ trình 5 năm cần được xây dựng để khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cải thiện trình độ kỹ thuật số, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, xây dựng niềm tin vào dịch vụ trực tuyến.

Tất cả các bên liên quan đều đóng một vai trò nhất định trong sự chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số của Campuchia. Chính phủ cần tạo môi trường thích hợp và thể hiện vai trò lãnh đạo nhằm khuyến khích sự tiếp nhận công nghệ kỹ thuật số. Các công ty nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nâng cao trình độ cho các nhân viên. Các tổ chức phi chính phủ và các trường học cần giáo dục và đào tạo thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục