Chuyến thăm Nhật của ông Obama và sự khác biệt về lời xin lỗi

Ở Mỹ, một lời xin lỗi cũng tương đương với việc thừa nhận lỗi sai và chịu trách nhiệm cho lỗi sai đó, trong khi ở Nhật Bản, lời xin lỗi lại mang ý nghĩa tình cảm hơn với đa số người dân.
Chuyến thăm Nhật của ông Obama và sự khác biệt về lời xin lỗi ảnh 1Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở Hiroshima. (Nguồn: AFP)

Trước chuyến thăm châu Á của tổng thống Mỹ Barack Obama, nhiều nhà phê bình ở chính nước Mỹ đã móc mỉa chuyến đi này của ông là “chuyến đi tạ lỗi.”

Nếu việc tới Hiroshima, thành phố đã bị một quả bom nguyên tử của Mỹ phá hủy trong Thế chiến II và chuyến dừng chân tại Việt Nam để phát biểu về việc phát triển quan hệ với quốc gia từng ở thế đối địch vẫn chưa đủ mang lại cảm xúc, ông Obama còn buộc phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn gần đây: vụ cưỡng bức và sát hại một phụ nữ 20 tuổi người Nhật Bản ở Okinawa do một công nhân người Mỹ từng là lính hải quân gây ra.

Theo tờ Japantimes, tại cuộc họp báo với Thủ tướng Shinzo Abe bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tại Ise, tỉnh Mie hồi tuần trước, ông Obama đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình nạn nhân bị hung thủ Kenneth Franklin Shinzato, một công nhân 32 tuổi làm việc tại căn cứ không quân Kadena sát hại.

Ngay sau lời chia buồn đó, một bộ phận người Mỹ, trong đó có cả những nhà ngoại giao, cho rằng phát biểu này của ông Obama cũng tương tự như “một lời xin lỗi.”

Kênh CNN thậm chí đã có một bản tin với tiêu đề “Ông Obama xin lỗi vì sự việc ở Okinawa” trong dòng tweet tin cập nhật của mình. Tuy nhiên ở Nhật Bản, một số kênh truyền thông lại nhấn mạnh rằng ông Obama không hề nói một từ “xin lỗi” nào.

Truyền thông Nhật Bản đã theo dõi rất sát sao xem ông Obama có đưa ra một lời xin lỗi cho hai vụ ném bom hạt nhân khiến hơn 210.000 người chết tại Hiroshima và Nagasaki cách đây 71 năm hay không, mặc dù ông Obama đã tuyên bố rất rõ ràng rằng mình không có ý định làm như vậy.

Điều này làm dấy lên câu hỏi: Vì sao nhiều người dân Nhật Bản, trong đó có cả giới truyền thống, lại đào sâu vào nhu cầu về một lời xin lỗi đến thế?

Giáo sư Takeshi Suzuki của trường Thông tin và Truyền thông, đại học Meiji cho rằng, có một sự khác biệt lớn về văn hóa giữa hai nước trong việc đưa ra lời xin lỗi.

“Văn hóa seppuku (mổ bụng tự sát của võ sỹ đạo) vẫn còn hiện hữu ở Nhật Bản. Nếu nguyên thủ quốc gia thừa nhận trách nhiệm, người Nhật sẽ tha thứ (và quên đi) lỗi lầm của họ. Ở Nhật, bày tỏ sự ăn năn mang lại một lợi thế. Nhưng ở Mỹ, người ta cần phải cân nhắc những hệ quả pháp lý kéo theo khi họ thừa nhận trách nhiệm.”

Chuyến thăm Nhật của ông Obama và sự khác biệt về lời xin lỗi ảnh 2

Nói cách khác, ở Mỹ, luật bất thành văn là một lời xin lỗi cũng tương đương với việc thừa nhận lỗi sai và chịu trách nhiệm cho lỗi sai đó, trong khi ở Nhật, lời xin lỗi lại mang ý nghĩa tình cảm hơn với đa số người dân.

Một ví dụ điển hình cho sự khác biệt văn hóa này là vụ va chạm giữa tàu cá Ehime Maru và tàu ngầm hạt nhân USS Greeeneville tại Hawaii năm 2001 khiến 9 người Nhật thiệt mạng. Sau vụ tai nạn, tổng thống George W. Bush đã gửi lời xin lỗi thủ tưởng Yoshiro Mori qua điện thoại.

Tuy nhiên chỉ huy Scott Waddle của tàu ngầm ban đầu chỉ bày tỏ sự hối tiếc vì vụ tai nạn. Hành động này đã khiến thân nhân của một số nạn nhân tức giận bởi họ muốn nhận được một lời xin lỗi chính thức và chân thành hơn.

Nhà ngôn ngữ học Edwin Battistella đã viết trong cuốn sách “Sorry About That: The Language of Public Apology” (tạm dịch: Xin lỗi nhé: Ngôn ngữ xin lỗi đại chúng) rằng Waddle viết trong hồi ký của mình là ông đã đề nghị được theo Tướng Thomas Fargo tới Nhật để tự mình xin lỗi về vụ va chạm, nhưng lời đề nghị này đã bị Hải quân Mỹ bác bỏ. Một năm sau, Waddle mới có thể sang Nhật và thực hiện lời xin lỗi.

“Với hải quân, điều quan trọng hơn là phải duy trì kiểm soát tình hình và không thừa nhận sự tắc trách có thể trở thành căn cứ cho những khẳng định trách nhiệm pháp lý sau này”, Battistella viết.

Tổng thống George Bush cũng từng đưa ra lời xin lỗi chính thức năm 1991 tới những người Mỹ gốc Nhật tham chiến trong Thế chiến II, bên cạnh việc bồi thường được Tổng thống Ronald Reagan và chính ông thông qua. Ông Bush làm vậy vì không thể chối cãi rằng đó là trách nhiệm của chính phủ.

Tổng thống Franklin Roosevelt, qua lệnh thi hành số 9066 đã ra lệnh đưa ra các biện pháp ứng phó sau vụ tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng. Tuy nhiên, trong một khảo sát mới đây của Kyodo News, 74,7% người được hỏi cho rằng ông Obama không cần phải xin lỗi vụ Hiroshima, và chỉ có 18,3% nói rằng tổng thống Mỹ nên đưa ra lời xin lỗi.

Giáo sư Suzuki, một người nghiên cứu về “xin lỗi học,” cho rằng việc bảo vệ ý kiến, vị trí hay hành động của ai đó đã biến bài phát biểu của ông Obama thành một phương pháp “ưu việt” để tránh bị đổ lỗi.

“Bài phát biểu của ông ấy đã vượt quá một lời xin lỗi, vì ông ấy đã đưa ra một mục đích cao cả hơn khi ủng hộ cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân,” giáo sư Suzuki nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.