Chuyện về những chiếc khẩu trang nghĩa tình của phụ nữ Tầm Vu

Bà Nguyễn Thị Cội cho biết, sau 27 ngày, gia đình bà đã may được hơn 45.000 khẩu trang; số vải còn lại sẽ may được khoảng 55.000 chiếc, toàn bộ để phát miễn phí.
Các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Cội, ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cùng chị em phụ nữ chung sức cắt, may khẩu trang tặng người dân phòng dịch. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Sau 27 ngày miệt mài, bà Nguyễn Thị Cội, 60 tuổi, ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã may được hơn 45.000 chiếc khẩu trang để phát cho người dân.

Bà Cội cho biết sẽ tiếp tục việc làm này khi người dân còn có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Cội (còn gọi là cô Hai Thành), Chủ kho thanh long Hai Thành ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành trước đây làm nghề may bao tay, khẩu trang.

Trước kia, trong nhà bà luôn có 60-70 máy may. Tuy không làm nghề đã 6 năm nhưng bà vẫn giữ lại 2 máy may để khi có việc cần dùng đến.

Khi dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh, nhận thấy nhu cầu khẩu trang lớn mà mua rất khó nên bà đã đặt vải về may khẩu trang. Mới đầu sợ may tặng người ta không nhận nên bà may cho người trong họ và công nhân bốc xếp thanh long của mình. Thấy vậy, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến để được nhận khẩu trang.

Trung bình mỗi ngày, gia đình bà may được khoảng 2.000-3.000 chiếc khẩu trang, tùy số người trong gia đình và chị em đến phụ giúp.

Bà Nguyễn Thị Cội cho biết, sau 27 ngày, gia đình bà đã may được hơn 45.000 khẩu trang. Số vải còn lại sẽ may được khoảng 55.000 khẩu trang nữa, tổng số tiền mua vải may khẩu trang là 60 triệu đồng, do bà tích cóp và có sự hỗ trợ từ một số chị em.

[Khuyến khích nhập khẩu thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2]

Bà Nguyễn Thị Cội chia sẻ: "Vải lúc này hiếm lắm. Tuy nhiên, tôi nói với mối hàng để lại cho tôi thực hiện việc may khẩu trang phát miễn phí nên họ đồng ý. Vải may khẩu trang là loại vải thun mềm, mát, được lấy từ làng dệt ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Vì mềm nên không cắt bằng máy được, các khâu đo, cắt đều làm thủ công."

Cô Trần Châu Bích Phượng, giáo viên môn Sử, Trường Trung học cơ sở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cho biết, nhà trường đã được nhận 1.200 chiếc khẩu trang do bà Nguyễn Thị Cội trao tặng.

Sau khi giặt sạch, mỗi học sinh và cán bộ giáo viên được phát 1 chiếc. Việc may và tặng khẩu trang cho học sinh góp phần giúp các em hiểu rõ tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân sạch sẽ trong mùa dịch này. Do nhà gần nên lúc rảnh rỗi cô giáo Phượng đều qua nhà bà Nguyễn Thị Cội phụ giúp việc cắt khẩu trang.

“Cắt bằng tay một lúc là đau tay, vài ngày thành chai. Nhưng bà Nguyễn Thị Cội và mọi người trong gia đình không quản điều đó, không chỉ bỏ chi phí ra làm mà cả gia đình, con cháu ai rảnh lúc nào là ngồi cắt may khẩu trang. Tôi thấy công việc này ý nghĩa lắm,” cô Phượng chia sẻ.

Khẩu trang nhà cô Hai Thành được phát miễn phí cho các nhà vườn, kho làm thanh long, trường học trên địa bàn, nhà chùa, người dân và những địa phương khác như huyện Tân Hưng (Long An), nhà chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết, cán bộ và hội viên trên địa bàn đã có nhiều hoạt động ý nghĩa từ khi các cấp chỉ đạo nêu cao tinh thần phòng chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Cội (bên phải) tặng 1.200 khẩu trang cho trường THCS Thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Nhiều hoạt động chị em đã thực hiện như phát tờ rơi, tuyên truyền đến từng hội viên và người xung quanh về cách phòng dịch bệnh.

Lúc đầu nguồn khẩu trang y tế còn dồi dào, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã vận động và phát miễn phí 3.800 khẩu trang cho người dân.

Về sau khẩu trang y tế khan hiếm, nhiều chị em đã may khẩu trang để phát cho mọi người xung quanh. Tiêu biểu như chị Châu Thị Lý và Châu Thị Đài, ở xã Dương Xuân Hội. Hai chị dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đã mua từng mét vải và may 2.000 khẩu trang để phát miễn phí cho người dân xung quanh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hiệp Thạnh cũng đã đến nhà bà Nguyễn Thị Cội học hỏi cách may khẩu trang rồi về mua vải, may 5.000 khẩu trang phát cho người dân.

Xuất phát từ tấm lòng không vì lợi nhuận cho bản thân, các chị em đã cùng chung tay góp sức đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh.

Có thể thấy rằng, nhiều hoạt động ý nghĩa của phụ nữ các cấp ở Long An đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong lúc cao điểm cả nước phòng chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục