Trong không khí ngày Tết Nhâm Dần 2022, các bác sỹ thú y, nhân viên chăm sóc đa loài ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội vẫn miệt mài thăm khám, chăm sóc cho hàng chục loài động vật hoang dã quý hiếm, nhất là loài thú dữ “chúa sơn lâm” bằng sự tận tụy, trách nhiệm và tình yêu với sự sống của thiên nhiên.
Coi động vật như là “khách hàng”
Theo lịch hẹn từ trước, sáng 30 Tết, tôi đã có chuyến thăm Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội - trung tâm cứu hộ đa loài lớn nhất Việt Nam, nơi được coi là “địa chỉ đỏ” về cứu hộ, chăm sóc cho hàng trăm cá thể động vật hoang dã, trong đó có 36 cá thể hổ đặc biệt quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Tiếp tôi bên bàn đá đặt ngay ngắn giữa khoảnh sân nhỏ đầy sắc hoa, anh Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội niềm nở rót chén trà mời khách. Cùng thưởng trà, trao nhau lời chúc sức khỏe năm mới, thi thoảng, tôi lại được nghe những “bản hòa ca” du dương từ thanh âm của hoang dã.
Với tinh thần năm Dần, ưu tiên nói chuyện về “chúa tể sơn lâm,” anh Hồng cùng cộng sự dẫn tôi đi thăm các khu vực chăm sóc đặc biệt (từ ăn, ngủ tới vui chơi) dành riêng cho hổ. Tại các khu vực được bảo vệ an toàn bằng lớp lưới thép vững chắc, khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, những “ông ba mươi” liền tới gần thể hiện sức mạnh, thanh thế oai linh bằng tiếng gầm vang.
Lạ thay, khi nghe anh Hồng - “người chỉ huy” ở trung tâm cứu hộ gọi tên của từng “ông ba mươi,” những cá thể hổ hung hãn cũng bỗng trở nên hiền lành hơn với vẻ đẹp rực rỡ từ những lớp lông vằn vện thấp thoáng lượn sóng trên khắp cơ thể.
[Khám phá thế giới động vật tại trung tâm cứu hộ đa loài lớn nhất nước]
Anh Hồng bảo chăm sóc thú dữ, đặc biệt như hổ - những cá thể từng bị ảnh hưởng bởi hoạt động nuôi nhốt, buôn bán trái phép, gần như không có khả năng tái thả về tự nhiên mà chỉ có thể “nuôi nhân đạo,” là công việc rất khó khăn. Vì thế, thái độ thân thiện của người chăm sóc và điều kiện phúc lợi là những yếu tố rất quan trọng.
Không những vậy, mỗi cá thể hổ còn có tập tính, sinh hoạt khác nhau. Thế nên, người chăm sóc hổ cũng cần phải hiểu được tập tính, những điểm yêu thích của từng cá thể để đưa ra được phương pháp chăm sóc cũng như tạo ra những loại đồ chơi phù hợp, giúp từng cá thể hổ vui vẻ thư giãn, giảm stress hiệu quả nhất.
Theo đó, hằng ngày, ngoài khẩu phần ăn (gồm nước uống; thịt gà, thịt bò, xương heo với trọng lượng trên dưới 5kg/cá thể, tùy từng cá thể), các cá thể “chúa sơn lâm” còn được các bác sỹ thú y thăm khám, kiểm tra sức khỏe; các nhân viên chăm sóc làm đồ chơi phù hợp với sở thích, tính cách riêng của từng cá thể hổ.
“Với ý nghĩa trên, chúng tôi đã đưa ra tiêu chí mỗi cán bộ, nhân viên luôn phải coi động vật hoang dã là ‘khách hàng,’ đặc biệt là không được ngược đãi động vật hoang dã. Đây cũng là tiêu chí để làm thước đo đánh giá khả năng phục vụ của từng cán bộ, nhân viên, để kịp thời điều chỉnh,” anh Hồng chia sẻ thêm.
Đón Tết cùng “chúa sơn lâm”
Theo người đứng đầu trung tâm cứu hộ đa loài lớn nhất Việt Nam, cứu hộ động vật hoang dã là công việc mang tính nhân đạo, là nhiệm vụ đặc thù nên đòi hỏi người làm công tác bảo tồn cần phải có tình yêu, đam mê và trách nhiệm với muôn loài.
“Vì thế, chúng tôi tâm luôn xác định tinh thần là mỗi năm làm việc 365 ngày, kể cả ngày lễ, ngày Tết cũng là chuyện hết sức bình thường. Đơn giản là động vật hoang dã có Tết đâu, mà những người làm công tác cứu hộ có Tết,” anh Hồng chia sẻ.
Dẫn chứng từ câu chuyện của bản thân mình, anh Hồng kể trong 16 năm gắn bó với Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, năm nào anh cũng tới cơ quan làm việc, “đón Tết” cùng các cộng sự, cùng các loài động vật hoang dã, nhất là hổ - loài thú kiêu hãnh mà anh luôn xem là “người bạn” thân thiết của mình.
Dù mới vào làm việc tại trung tâm cứu từ năm 2016, song đến nay, anh Phạm Thế Vinh cũng đã có 6 năm “đón Tết” cùng các cá thể “chúa sơn lâm.” Công việc của anh trong ngày Tết cũng như mọi ngày thường, đó là chuẩn bị từng suất ăn cho hổ.
Khi được hỏi cảm xúc của anh thế nào khi ngày Tết vẫn đi làm và công việc chỉ quẩn quanh với loài thú dữ, Vinh chia sẻ: “Công việc mình đã chọn mà! Nếu mình làm việc với niềm đam mê, bằng tình yêu, hàng ngày được thấy các bạn hổ khỏe mạnh, vui vẻ, không bị ốm đau, thì bất cứ ngày nào đến đây cũng là ngày ý nghĩa.”
Cùng tình yêu với loài hổ, chị Trịnh Thị Thu Hằng, bác sỹ thú y của trung tâm cho biết chị đã có 11 năm gắn bó công việc khám, chữa bệnh cho các “ông ba mươi.” Thời gian đầu, khi mới vào trung tâm, bản thân chị cũng buồn vì làm việc không có ngày Tết, nhưng sau một thời gian tiếp xúc với hổ, chị đã xác định “ngày Tết cũng như là ngày bình thường,” bởi công việc của chị là công việc của tình yêu.
“Điều quan trọng nhất với mình khi đến làm việc ở đây là được thấy các bạn động vật vui vẻ, khỏe mạnh. Đó cũng là động lực để mình cố gắng, làm tốt vai trò của người bác sỹ thú y chăm sóc cho muôn loài, nhất là các bạn hổ,” chị Giang chia sẻ.
Chị Giang cho hay trong số các “bạn” hổ mà chị yêu quý, Shampai là cá thể để lại trong chị nhiều kỷ niệm nhất. Khi mới được cứu hộ về trung tâm, Shampai là một cá thể còn rất nhỏ, như là “đứa trẻ sơ sinh” đang bị ốm rất nặng do mắc bệnh viêm ruột. Lúc đó, tưởng như Shampai sẽ không qua khỏi cơn nguy kịch…
“Thế nhưng, bằng trách nhiệm và tình yêu, chúng tôi đã thành lập tiểu ban đặc biệt, cố gắng thâu đêm chạy chữa. May mắn là Shampai đã vượt qua và sống sót trở lại. Tất nhiên, bấy lâu nay, bạn ấy vẫn luôn cần được chăm sóc nên chúng tôi cũng không thể lơ là vì niềm vui riêng đươc,” chị Giang chia sẻ.
Câu chuyện của chị Giang, anh Vinh, anh Hồng đã phần nào cho thấy cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã là công việc đặc thù, đòi hỏi phải xuất phát từ tình yêu. Đó cũng là lý do mà những ngày Tết đến, Xuân về này, họ vẫn ở trung tâm, chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư để tận tâm “phục vụ” cho sự sống của muôn loài./.