Chuyện về những người thầy đứng lớp mầm non ở Mù Cang Chải

Tuy là nam giới, nhưng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dạy trẻ các thầy giáo mầm non ở Mù Cang Chải không kém gì các cô giáo, vì thế, lũ trẻ ngây thơ đáng yêu nhiều khi còn gọi các thầy là "mẹ."

Lên huyện vùng cao Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, chúng tôi rất xúc động trước hình ảnh những người thầy đang dạy ở lớp mầm non. Các thầy cũng hát, múa, chăm sóc và dỗ dành trẻ nhỏ khéo léo chẳng kém các cô giáo.

Ngày nối ngày, các thầy giáo dạy mầm non ở các điểm lẻ của xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải vẫn kiên trì vượt đường đất trơn trượt và những con dốc thẳng đứng để đến từng nhà, vận động trẻ đến lớp.

Những "bảo mẫu" nuôi dạy trẻ đặc biệt

Trường mầm non xã Lao Chải là trường duy nhất trong huyện có thầy giáo làm hiệu trưởng và có 3 thầy giáo khác trực tiếp đứng lớp tại các điểm lẻ của trường là Dào Cu Nha, Hú Trù Lìn và Háng Gàng.

Người đầu tiên chúng tôi gặp và trò chuyện là thầy giáo Cứ A Giàng, sinh năm 1988. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, A Giàng về quê xin “nuôi dạy trẻ” tại điểm lẻ ở bản Hú Trù Lìn, cách điểm trường chính hơn 9km.

Lớp học do thầy A Giàng phụ trách nằm ngay trung tâm của bản. Lớp có 30 cháu từ 3-5 tuổi nhưng có buổi học, sỹ số của lớp lên tới gần 50 cháu.

Nói về điều thú vị này, A Giàng bảo là do các cháu 2 tuổi cũng theo các anh chị mình đến lớp. Nhiều khi đang học, các cháu bé buồn ngủ và khóc, thầy Giàng lại trở thành... bảo mẫu.

Nhớ về ngày đầu lên bản dạy học, thầy A Giàng kể: "Trời nắng thì có thể đi được xe máy, còn trời mưa là phải cuốc bộ, mất hơn nửa ngày đường mới tới nơi. Lúc tôi vào lớp, các cháu cứ tưởng mình là cán bộ xã. Nhưng chỉ hơn tuần sau, các cháu đã gọi tôi bằng 'mẹ.'. Nhiều lúc mình cũng ngại nhưng rồi cũng thành quen và thấy thật hạnh phúc."

Không chỉ làm tốt việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ khi đến trường, những ngày nghỉ, thầy A Giàng còn đến từng nhà thăm hỏi, động viên phụ huynh tạo mọi điều kiện cho con em đến lớp.

Niềm vui lớn nhất của thầy A Giàng là mỗi ngày đến lớp lại thấy lớp học đông đủ, không trẻ nào nghỉ học.

Anh Giàng A Thái, phụ huynh cháu Giàng Thị Dở, phấn khởi cho biết: "Nhờ có thầy Giàng vượt khó khăn lên đây dạy học nên các cháu trong bản mới được đến lớp. Thầy còn dạy bà con cách chăm cây lúa, cây ngô, nuôi con lợn, con gà sao cho tốt. Dân bản biết ơn thầy nhiều lắm."

Tạm biệt bản Hú Trù Lìn, chúng tôi ngược đường sang Dào Cu Nha - nơi có lớp mầm non là điểm lẻ của Trường mầm non xã Lao Chải. Lớp học ở điểm lẻ này do thầy Hảng A Chua phụ trách.

Đến nơi vào đúng giờ ra chơi, các cháu nhỏ đang vui đùa ở sân trường còn thầy Chua lại tranh thủ trèo lên mái nhà, lấy bạt để che lại chỗ thủng bởi một viên ngói mới bị gió thổi bung đêm qua.

Điều trùng hợp là thầy Chua và thầy Giàng phụ trách lớp mầm non tại điểm lẻ ở bản Hú Trù Lìn sinh cùng năm, học cùng một lớp ở trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Hai thầy cũng cùng lên Lao Chải dạy một thời điểm, cùng trường và chỉ khác điểm lẻ.

Thầy Chua cho biết: "Ngày ấy, hệ mầm non của trường sư phạm có 100 học sinh thì chỉ có tôi và thầy Giàng là nam giới. Lúc đầu cũng ngại lắm nhưng cứ nghĩ đến lúc được đứng lớp dạy cho con trẻ thì cả hai chúng tôi càng quyết tâm học tốt hơn."

Về điểm lẻ công tác, ngày nào thầy Chua cũng phải đi sớm vì điểm trường cách nhà hơn 10km. Do đường đi trơn trượt và dốc cao nên lúc nào lốp xe của thầy cũng phải lắp bộ xích để tăng masát, bám vào mặt đường và nhích từng chút một. Những hôm trời mưa to thì chỉ còn cách cuốc bộ hơn 2 tiếng đồng hồ để đến trường.

Lớp học do thầy Chua phụ tránh có 30 cháu trong "biên chế" nhưng hàng ngày sỹ số của lớp luôn dao động từ 40-45 học sinh. Lý do sỹ số lớp luôn tăng cũng giống như bên điểm trường của thầy Giàng.

Thầy Chua cho biết: "Lúc đầu tôi múa cũng không dẻo, hát không được hay lắm, giờ thì khác rồi."

Chia tay thầy Chua, chúng tôi có mặt tại điểm lẻ cuối cùng của Trường mầm non Lao Chải là nơi có bản Háng Gàng, cách điểm trường chính 16km.

Lớp mầm non ở điểm lẻ này do thầy giáo trẻ Giàng A Lứ (sinh năm 1991) phụ trách. Cũng như các thầy A Giàng, A Chua, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, thầy A Lứ tình nguyện lên bản Háng Gàng dạy học.

Năm học này, lớp của thầy Lứ có 25 cháu từ 3 đến 5 tuổi. 100% học sinh trong độ tuổi khi ra lớp đều nói tiếng địa phương (tiếng H'Mông) nên thầy cố gắng nói thật nhiều tiếng phổ thông để trang bị vốn từ cho các cháu theo chương trình.

Thầy Lứ tâm sự: "Ngày mới bước vào nghề, nhiều người thắc mắc tại sao nam giới lại đi dạy mầm non nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, tôi vẫn chọn làm giáo viên mầm non."

Với những nỗ lực của thầy Lứ, đến nay 100% trẻ trong độ tuổi mầm non ở các bản do các thầy phụ trách đều ra lớp và luôn duy trì tỷ lệ chuyên cần cao."

Hạnh phúc đâu cứ phải có hoa hồng

Chúng tôi cũng về thăm điểm trường chính của Trường mầm non xã Lao Chải, gặp thầy Hiệu trưởng Hoàng Long Giang - người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy mầm non của huyện Mù Cang Chải.

Sinh năm 1985 ở Hà Tây (cũ), sau khi tốt nghiệp Cao đẳng hệ mầm non ở Yên Bái, thầy Giang tình nguyện lên xã Khao Mang dạy học, sau đó được điều động về dạy ở Trường mầm non xã Lao Chải.

Đến tháng 1/2012, thầy được đề bạt làm Hiệu phó và vừa được đề bạt là Hiệu trưởng nhà trường.

Thầy Giang cho biết: "Lúc đầu, khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ vì hầu hết các cháu trong độ tuổi mầm non khi mới ra lớp không biết tiếng phổ thông, việc dạy học vì vậy rất vất vả. Ví dụ, khi thầy nói 'Các em trật tự,' học trò cũng đáp lại 'Các em trật tự,' thầy nói 'Bây giờ chúng ta học hát,' các em cũng nói 'Bây giờ chúng ta học hát'..."

Chuyện những thầy giáo chọn nghề dạy học cho trẻ ở lứa tuổi mầm non ban đầu luôn khiến nhiều người thắc mắc rồi cả ánh mắt ái ngại của phụ huynh khi thấy các thầy lóng ngóng khi dạy múa cho các cháu.

Ngay cả việc cắt hoa, dán giấy trang trí lớp học, làm đồ chơi cho các cháu đâu phải chuyện dễ... Song, với tình yêu thương trẻ thơ, tình yêu với nghề, các thầy vượt qua tất cả để làm tốt nhiệm vụ nuôi dạy trẻ.

Tuy còn nhiều vất vả, thiếu thốn, tại các điểm lẻ của trường, lớp học mới chỉ đơn sơ với tranh, tre, vách nứa nhưng các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường mầm non, nhất là những người như thầy Giang, thầy Lứ, thầy Giàng, thầy Chua vẫn quyết tâm vượt khó, chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Chia tay Trường mầm non Lao Chải, chúng tôi tôi nhớ mãi lời thầy Hiệu trưởng Hoàng Long Giang tâm sự: "Nhiều thầy cô giáo ở vùng cao có lẽ cả đời không có được bông hoa mừng ngày 20/11, song hạnh phúc của giáo viên là hàng ngày lên lớp thấy học sinh đi học đầy đủ, cơ sở vật chất của trường ngày càng được cải thiện. Hạnh phúc đâu cứ phải có hoa hồng."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục