Có 45,6% người trưởng thành Việt Nam sợ thất bại trong kinh doanh

Tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ thất bại trong kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao là 45,6%.
(Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN)

Tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ thất bại trong kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao là 45,6%.

Đây là kết quả được nêu tại Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam năm 2015/16 (GEM Việt Nam 2015/16 ), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, công bố ngày 22/9.

Dựa trên dữ liệu thu thập được từ 2.000 người trưởng thành và 36 chuyên gia ở Việt Nam, Báo cáo GEM Việt Nam 2015/16 đã cho thấy một bức tranh toàn diện về thực trạng phát triển kinh doanh tại Việt Nam được phác họa theo từng giai đoạn trong chu kỳ phát triển, từ những doanh nhân tiềm năng, đến lúc khởi sự, trải qua giai đoạn đầu, cho đến khi phát triển ổn định và cuối cùng là chấm dứt hoạt động kinh doanh.

So sánh với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có cùng trình độ phát triển và các nước trong khu vực ASEAN cho thấy tình hình kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 đã khả quan hơn so với năm trước, tuy vẫn còn nhiều bất cập ảnh hưởng tới quá trình khởi sự và phát triển kinh doanh.

Theo Báo cáo GEM Việt Nam 2015/16, nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 tăng mạnh so với năm 2014 và 2013, nhưng tỷ lệ khởi nghiệp trong kinh doanh ở Việt Nam ở mức rất thấp là 0,6%, đồng thời thấp hơn mức trung bình 1,1% của các nước phát triển giai đoạn 1.

Đánh giá về kết quả Báo cáo GEM Việt Nam 2015/16, tiến sỹ Lương Minh Huân, Viện phó Viện phát triển Doanh nghiệp, cho rằng nguyên nhân người trưởng thành ở Việt Nam sợ thất bại trong kinh doanh và từ bỏ hoạt động kinh doanh của mình là do gặp thách thức về tài chính, không có lợi nhuận...

Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản, nhằm xây dựng lại lòng tin cho người kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh tại Việt Nam, thạc sỹ Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc VCCI, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề cấp thiết hiện nay là hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp như xây dựng các chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông theo hướng đào tạo kỹ năng sáng tạo và khả năng làm việc nhóm.

Đồng thời, có cơ chế khuyến khích phát triển các mô hình tư nhân về khởi nghiệp, khởi nghiệp trong doanh nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục