Cơ bản khống chế dịch tả châu Phi, Thanh Hóa tái đàn lợn có kiểm soát

Hiện Thanh Hóa có 1.530 cơ sở chăn nuôi lợn thực hiện tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số 82.370 con, trong đó lợn giống được tái đàn trực tiếp tại địa phương là 48.450 con.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế hoàn toàn tại tỉnh Thanh Hóa từ ngày 13/3. Để đảm bảo nguồn cung thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn các địa phương tập trung tái đàn lợn có kiểm soát.

Hiện Thanh Hóa có 1.530 cơ sở chăn nuôi lợn thực hiện tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số 82.370 con, trong đó lợn giống được tái đàn trực tiếp tại địa phương là 48.450 con, lợn giống được nhập từ tỉnh ngoài 33.920 con.

Doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn đang tích cực tăng đàn lợn nái, lợn đực giống để cung cấp nguồn giống thương phẩm cho các trang trại chăn nuôi; trong đó, trang trại NewHope tại huyện Thạch Thành đã nhập khoảng 2.500 con lợn giống ông bà từ Canada về nuôi…

[Bộ trưởng NN&PTNT: Đẩy mạnh tái đàn lợn an toàn bù thiếu nguồn cung]

Ông Đặng Văn Hiệp - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết sau gần 1 tháng kể từ ngày dịch bệnh được khống chế, đến nay, tổng đàn lợn đang có xu hướng tăng trở lại do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại, trang trại đang tập trung tái đàn, khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, dịch bệnh tả lợn châu Phi hiện nay vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh. Hơn nữa, vào thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao, lây lan nhanh.

Để bảo đảm an toàn cho việc tái đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo nông dân tái đàn có kiểm soát; không tái đàn ồ ạt mà giữ ở mức độ phù hợp, sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

Riêng đối với việc tái đàn lợn, người chăn nuôi phải thực hiện nuôi cách ly ít nhất 15 ngày trước khi nhập đàn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi ít nhất 2 lần/tuần; bước đầu chỉ nên tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, phải thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính với dịch bệnh tả lợn châu Phi khi đó mới tiếp tục nuôi với quy mô lớn hơn.

Các hộ chăn nuôi cần mua con giống ở những địa chỉ có uy tín; tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh.

Trong quá trình nuôi, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn lợn để chủ động các biện pháp phòng và trị bệnh.

Chi cục cũng khuyến khích các trang trại, gia trại, hộ gia đình thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học vì thực tế cho thấy trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, một số trang trại chăn nuôi theo chuỗi khép kín với việc áp dụng nghiêm ngặt về quy trình chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh đã đứng vững trước cơn bão dịch tả...

Từ ngày 23/2/2019, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên và lan ra 25.633 hộ của 2.234 thôn, 457 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy 214.204 con lợn.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhờ đó, đến ngày 13/3/2020, toàn tỉnh có 27 huyện và 457 xã công bố hết dịch, dịch bệnh đã qua 30 ngày chưa phát sinh lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục