Trang tin Vogue cho biết thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, nhiều cặp vợ chồng ở Mỹ đã phải suy xét lại kế hoạch sinh con vì nhiều lý do.
Hiện nay, chi phí sinh con trong bệnh viện (không bảo hiểm) tại Mỹ có thể lên tới trung bình 14.768 USD (347 triệu đồng) cho một ca sinh thường và 26.280 USD (618 triệu đồng) cho một ca sinh mổ.
Không thể chi trả số tiền lớn như vậy, nhiều phụ nữ đã chọn thuê nhân viên y tế tư nhân hỗ trợ quá trình sinh nở, với chi phí vào khoảng 1.600 USD (hơn 37 triệu đồng) đến 2.000 USD (47 triệu đồng) và chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn.
Không chỉ đắn đo về mặt tài chính, họ còn lo lắng về mức độ an toàn của việc thực hiện “thiên chức” khi mà tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai tại Mỹ hiện đang ở mức cao nhất so với các quốc gia công nghiệp hóa.
[Tỷ lệ sinh tại Mỹ giảm mạnh nhất trong 50 năm do dịch COVID-19]
Năm 2021, tỷ lệ tử vong của thai phụ đã tăng 40% tại Mỹ. Tuy con số này phần lớn đến từ hậu quả của dịch COVID-19, nhưng thực chất đây đã được coi là một vấn nạn nghiêm trọng kể từ năm 2000.
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng, một số phòng khám đã ra mắt các dịch vụ chăm sóc, kiểm soát cơn đau sau sinh.
Phòng khám Boram Postnatal Retreat ở Thành phố New York là một ví dụ tiêu biểu. Nơi này sẽ cung cấp một đội ngũ chăm sóc 24/7, cung cấp biện pháp hỗ trợ phục hồi, các bữa ăn bổ dưỡng, gói trị liệu phục hồi cho các thai phụ.
Tuy nhiên, với các dịch vụ sang trọng như thế này, khách hàng phải trả một khoản phí rất cao, khoảng 1.400 USD (gần 33 triệu) một đêm trong khoảng thời gian điều trị trung bình dài 5 ngày.
Ngoài ra, các dịch vụ khác như massage và châm cứu cho bà bầu tại Mỹ cũng thuộc dạng vô cùng đắt đỏ. Tại tiệm Sparrow's Nest Massage ở Pasadena, dịch vụ massage sau sinh dao động từ 185 USD (4,3 triệu đồng) đến 365 USD (8,6 triệu đồng) một buổi.
Chưa hết, chi phí liên quan đến con trẻ sẽ chỉ ngày một tăng lên khi đứa trẻ lớn hơn. Các chuyên gia ước tính chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến năm 17 tuổi là 310.000 USD (hơn 7 tỷ đồng). Đây là số tiền vượt quá khả năng tài chính của một gia đình trung lưu ở Mỹ.
Ngoài ra, những cá nhân đang có thu nhập tốt cũng cần hết sức tỉnh táo chuẩn bị kế hoạch để đối phó với những hiện tượng “thiên nga đen” (một thuật ngữ được giáo sư tài chính, cựu thương nhân phố Wall Nassim Nicholas Taleb dùng để chỉ những sự kiện không thể được dự đoán trước bằng kinh nghiệm, dữ liệu có sẵn; thường đem lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội), như vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, bong bóng Dot-com, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và dịch bệnh COVID-19.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2022, có 51% phụ huynh cho biết họ chi hơn 20% tổng thu nhập của gia đình và khoảng 72% phụ huynh chi từ 10% tổng thu nhập trở lên, cho việc chăm sóc con trẻ.
Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ đang phải nhận công việc thứ hai (chiếm 31%) để trang trải chi phí.
Một nhân viên văn phòng 28 tuổi giấu tên cho Vogue biết rằng mình sẽ không sinh con sớm. “Những người mà tôi quen biết đang suy nghĩ nghiêm túc về việc có con, ít nhất là ở New York. Họ đều có mức lương tổng cộng gần 200.000 USD (4,7 tỷ đồng) một năm hoặc nhận được sự trợ giúp từ cha mẹ,” người này cho biết.
Vogue nhận định trong bối cảnh vật giá leo thang, người trẻ Mỹ cảm thấy họ đang gặp khó khăn trong việc tự nuôi sống bản thân, hay còn gọi là độc lập về kinh tế. Vì thế, việc có con đang dần trở thành một “ước mơ” xa xỉ trong xã hội Mỹ hiện đại.
Trên thực tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) cho biết tỷ lệ sinh của nước này đã ghi nhận mức giảm trong năm thứ sáu liên tiếp vào năm 2020, đạt mức thấp kỷ lục kể từ năm 1979./.