Dù đã đạt tới đỉnh cao trở thành giáo viên xuất sắc toàn cầu, nhưng cô giáo Trần Thị Thúy không ngủ quên trên vinh quang.
Sau những thành công ấn tượng, một tổ chức quốc tế đã mời cô sang Canada để làm việc, song cô Thúy đã từ chối với tâm niệm "ra đi để trở về." Và cô đã về lại với mái trường làng của mình để cùng học trò viết tiếp những giấc mơ thành hiện thực.
Từ chối lời mời hấp dẫn
Tại các diễn đàn được vinh danh, những phần trả lời ngắn gọn và sâu sắc của cô giáo trường làng Trần Thị Thúy luôn thu hút các chuyên gia, thuyết phục những giám khảo khó tính, vượt qua hàng nghìn đối thủ để dành chiến thắng.
Dù đã đạt giải thưởng trong nước và quốc tế với danh hiệu "Giáo viên xuất sắc toàn cầu" nhưng cô Thúy vẫn luôn hướng về mái trường quê bình dị của mình, sẵn sàng từ chối những mời gọi cao sang hấp dẫn.
Trong cuộc trò chuyện với lãnh đạo của Microsoft Canada, cô Thúy đã nhận được lời khen đầy thán phục "Câu chuyện của bạn thật tuyệt vời, hãy luôn luôn mạnh mẽ như thế!" "Nếu có thể, chào mừng bạn tới Canada!" Tuy nhiên, không một chút do dự hay tính toán, cô giáo đến từ trường quê Hưng Yên đã trả lời rất quyết đoán và ngắn gọn: "Em ra đi là để trở về."
Cô Thúy chia sẻ: "Trong khi điều kiện kinh tế gia đình em rất khó khăn, cùng với làm ruộng, bố mẹ em còn phải kiếm thêm bằng nghề đánh cá trên sông để mưu sinh, lời mời này với em thật hấp dẫn. Nhưng em chỉ nghĩ đơn giản trách nhiệm chính là thực hiện giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Đức Hợp, nơi quê hương em đã gắn bó và không muốn rời xa. Dù ở đâu thì mình cũng đều phải cố gắng làm những điều có ích nhất."
[Nữ giáo viên Anh nhận giải Giáo viên toàn cầu trị giá 1 triệu USD]
Sau hành trình bước ra thế giới và tỏa sáng, cô Thúy về lại ngôi trường thân yêu của mình, tiếp tục áp dụng bộ Office 365 miễn phí dành cho giáo dục, kết nối lớp học thông qua sử dụng Skype và nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị truyền thông.
Cô tiếp tục áp dụng công cụ Skype vào giảng dạy, giúp học sinh được giao lưu, học hỏi bạn bè khắp thế giới. Cô đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực bổ ích cho các em như mở thư viện xanh miễn phí, mở các lớp học tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Những điều tâm huyết
Theo ông Hà Vinh Quang, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đức Hợp (Hưng Yên), từ những bài giảng cho các em học sinh, cô Thúy luôn cố gắng cải thiện bản thân, tìm hiểu các em học sinh về sở trường cũng như tâm lý, để có thể thiết kế các nội dung bài học phù hợp với trình độ của các em.
Nhờ việc ứng dụng tốt công nghệ trong dạy học, cô Thúy đã làm sinh động các giờ học, cuốn hút các em học sinh tham gia các hoạt động học tập và phát triển kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu.
Nói về bí quyết của mình, cô Thúy cho biết, cô đã trải nghiệm những giờ học để học sinh chia sẻ các nội dung liên quan đến phát triển văn hóa của địa phương, giới thiệu những di sản, đặc sản của từng vùng, miền như tìm hiểu về khu di tích Phố Hiến, về nhãn lồng Hưng Yên, về truyền thống hiếu học của quê hương... qua đó các em ý thức cao hơn về trách nhiệm công dân, tự hào về chính quê hương, mảnh đất mình sinh sống.
Mặt khác, cô đã hướng dẫn các em tham gia các hoạt động học tập để hình thành kỹ năng mềm cần thiết của người học ở thế kỷ 21 như tư duy phê phán, phản biện trong quá trình học tập, các em có thể tranh luận, hùng biện để đưa ra hoặc thuyết phục ý kiến của mình, cũng như sống chung với mọi người thật tốt.
Từ hoạt động học tập, học sinh sẽ phát triển được kỹ năng hợp tác và giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo. Nhất là với môn Tiếng Anh, cô Thúy đã giúp các em được làm chủ kiến thức với những giờ học được thiết kế thông qua hơn 1 triệu km kết nối Skype tới 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các em đã hình thành và phát triển kiến thức, phát triển những kỹ năng công dân toàn cầu.
Điều mà cô Thúy luôn khắc cốt ghi tâm từ khi đứng trên bục giảng là những lời dạy của Bác Hồ: "Ngày nay các em may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em."
Tâm huyết với điều này, cô luôn tìm tòi phương pháp giảng dạy hiệu quả, phải làm sao để học sinh có cái nhìn và ý thức tốt hơn trong việc phát triển những phẩm chất cần có của người học “vừa hồng” “vừa chuyên” như lời dạy của Bác.
Gặp cô Thúy nhân dịp sắp bước sang năm học mới, cô cho biết mình vừa vinh dự được tham gia báo cáo điển hình tại Hội nghị toàn quốc "Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh."
Cô cho biết cô luôn thấm thía những lời trong thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu."
"Mỗi lần tham dự các hội thảo quốc tế, em luôn tự hào mặc những chiếc áo dài truyền thống và chứng tỏ với các bạn bè quốc tế rằng: Việt Nam chúng tôi thật tuyệt. Giáo viên Việt Nam của chúng tôi luôn hằng ngày cố gắng để thay đổi đầu ra của các em học sinh." Cô giáo trường làng tâm sự với nụ cười rạng rỡ, đầy tự tin./.