"Có hiện tượng đẩy tiến độ giải ngân, ứng vốn xong gửi ngân hàng"

Có hiện tượng sử dụng “mẹo” đẩy tiến độ giải ngân lên, ứng vốn xong gửi ngân hàng, tăng tỷ lệ giải ngân nhưng tiền đó không vào đầu tư phát triển, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại buổi làm việc với 13 bộ, cơ quan, địa phương có số vốn đầu tư công giải ngân chậm, sáng 25/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển lời phê bình của Thủ tướng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương này. Cụ thể, Bộ Ngoại giao qua 6 tháng mới giải ngân được 5,1%, con số này của Ngân hàng Nhà nước là 5,8%, Hội Cựu chiến binh là 4,5%.

Có tiền nhưng không tiêu được

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định nguyên nhân chậm trễ trước hết thuộc về lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó có nguyên nhân thủ trưởng đơn vị chỉ đạo không quyết liệt, cụ thể đơn vị thi công, vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, năng lực của đơn vị thi công chưa đáp ứng yêu cầu. Có đơn vị có tiền nhưng không tiêu được do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, do thủ tục.

Thậm chí, còn có hiện tượng sử dụng “mẹo” đẩy tiến độ giải ngân lên, ứng vốn xong gửi ngân hàng, tăng tỷ lệ giải ngân nhưng tiền đó không vào đầu tư phát triển.

Cho biết sẽ kiểm tra việc này, Bộ trưởng nhấn mạnh "nếu có trường hợp đó, không thể chấp nhận được, đây là tiền đầu tư, có mục tiêu của nó, phải có khối lượng."

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có đơn vị có khối lượng nhưng rất khắt khe trong vấn đề ứng thanh toán. “Chỉ có chúng ta với chúng ta nhưng lại không ứng được tiền."

Từ bất cập đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp những vướng mắc, bất cập trong Luật Đầu tư công, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả tốt hơn.

Tinh thần là các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp mạnh nhất để tháng 8, 9/2017 giải ngân quyết liệt. Không thể chấp nhận được việc có tiền, có vốn mà không tiêu được do không chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải có biện pháp quyết liệt nhất, ngay cả vấn đề xem xét năng lực nhà thầu thi công, nếu không đáp ứng chủ động được xem xét, thay thế. Nếu bộ phận cán bộ theo dõi, đôn đốc không tốt, có rào cản vướng mắc liên quan đến thanh toán phải chủ động xử lý, thay cán bộ. Nếu do vấn đề mặt bằng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đôn đốc triển khai, trực tiếp chỉ đạo, tập trung giải ngân tốt, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng khẳng định nếu tháng 10/2017, các đơn vị không giải ngân tích cực, bắt buộc phải điều chuyển vốn. Yêu cầu thời hạn về giải ngân vốn, cam kết nếu giải ngân chậm sẽ phải chịu trách nhiệm, đặc biệt đối với các công trình trụ sở các bộ, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công được cho là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ tăng cao. Chính phủ phải trả lãi vay, huy động nguồn lực, vốn dư tại Kho bạc có khoảng 120.000 tỷ đồng, trong vốn ngân sách nhà nước năm 2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao sớm, đạt 93,8%, nhưng việc giải ngân vốn chậm.

Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo của Tổ công tác với nhận định bên cạnh việc gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng GDP, việc giải ngân chậm khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân.

Hết năm 2017, nợ công sẽ tăng lên mức 65% GDP chạm trần mức 65% Quốc hội đề ra. Nợ công chạm trần, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như công cụ lãi suất, tỷ giá... sẽ được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế, việc huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ xong rồi không “tiêu” được, “chậm tiêu” lại quay nằm ở ngân hàng là “luẩn quẩn."

Vướng về thủ tục và mặt bằng

Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho thấy tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 là 357.150 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước: 307.150 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 50.000 tỷ đồng. Số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 chưa phân bổ được Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2017 là 16.458,02 tỷ đồng.

Tổng số vốn thanh toán đến ngày 15/6/2017 là 85.188 tỷ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch vốn năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội (357.150 tỷ đồng) và 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao (308.747 tỷ đồng). Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 chưa phân bổ được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2017 là 16.458,02 tỷ đồng thì đã giải ngân 217 tỷ đồng, đạt 1,3% trên tổng nguồn và đạt 3,5% kế hoạch giao.

Đối với 13 bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra, tính đến hết tháng 6/2017, một số cơ quan, địa phương đã đạt tỷ lệ giải ngân trên 20%, như Ủy ban Dân tộc (61%), Hà Nội (33,4%), Thành phố Hồ Chí Minh (26%), Đà Nẵng (24,7%), Bình Phước (28,1%), Tây Ninh (22,9%).

Lý giải của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho thấy còn hơn 4.000 tỷ đồng vốn kế hoạch chưa giao được chủ yếu là vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Nguyên nhân chậm trễ là do đây là dự án mới, theo quy định tại Nghị định số 77/2015/NĐ-CP về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, điều kiện để bố trí kế hoạch cho dự án khởi công mới là phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch, song, đến 31/5, Chính phủ mới thông qua Chương trình này, các địa phương mới có cơ sở để thực hiện.

Theo báo cáo, đến hết tháng 6/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giải ngân vốn đầu tư công được gần 54,37 tỷ đồng, đạt 13,3% kế hoạch được giao đầu năm (406,83 tỷ đồng).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Nguyên nhân giải ngân thấp tập trung vào hai dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn là Dự án “Đầu tư xây dựng Học viện Chính sách và phát triển” được bố trí kế hoạch là 202 tỷ đồng nhưng do Bộ Xây dựng chậm trễ trong thẩm định Bản vẽ thi công và tổng dự toán của dự án nên đến hết 30/6 Dự án trên mới giải ngân được 1,3 tỷ đồng; dự án PPP “Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ theo hình thức đối tác công tư,” kế hoạch vốn năm 2017 là 26 tỷ đồng nhưng do chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện nên mới giải ngân được phần chi phí Ban quản lý dự án, còn lại phần vốn tham gia của nhà nước chưa giải ngân được.

Với Bộ Y tế, tổng số giải ngân là 831,46 tỷ đồng, đạt 16,2% kế hoạch giao đầu năm. Nguyên nhân giải ngân thấp là do kế hoạch vốn bố trí cho hai dự án từ nguồn cổ phần hóa là cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức đã là 3.200 tỷ đồng (chiếm 62,2% kế hoạch vốn bố trí cho Bộ Y tế). Tuy nhiên, hai dự án này có quy mô lớn, phức tạp, các dự án thực hiện theo hình thức tổng thầu (EPC) vừa thiết kế vừa thi công, trong khi quy trình thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán phức tạp, kéo dài dẫn đến chậm trễ tiến độ triển khai tại hiện trường. Nhiều công việc đã hoàn thành nhưng chưa có dự toán được phê duyệt dẫn đến tình trạng không thanh toán được khối lượng hoàn thành đã được nghiệm thu.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Một lần nữa nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ việc giải ngân là một trong những điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng GDP 2017. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ dự án, từ thủ tục đầu tư, chọn lựa nhà thầu thi công, các giải pháp liên quan đến thanh toán vốn, điều chỉnh vốn, cho các nhà thầu tạm ứng khi có khối lượng. Tinh thần Nghị quyết của Chính phủ là đến tháng 10/2017 không thực hiện được sẽ điều chuyển vốn và việc điều chuyển này sẽ ảnh hưởng đến việc giao vốn năm 2018, Bộ trưởng nói.

[Vốn đầu tư công: Nghẽn từ đầu vào, nền kinh tế mất cả triệu tỷ đồng]

“Đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tránh tình trạng không được giao vốn năm sau. Chậm giải ngân đương nhiên là địa phương thiệt, công trình chậm chưa đưa vào sử dụng là chúng ta thiệt và Nhà nước cũng rất thiệt. Công trình chậm đưa vào sử dụng cũng là lãng phí. Thất thoát lãng phí 1, chậm đưa vào sử dụng lãng phí 3. Tiền để đó chúng ta phải trả lãi, mua trái phiếu Chính phủ, huy động dân phải trả lãi, trong khi đó, nhà thầu phải đi vay tiền ngân hàng, phải huy động các nguồn khác để thanh toán," theo Bộ trưởng.

Bộ trưởng cho biết trong tháng 8/2017, Thủ tướng sẽ trực tiếp kiểm tra một số công trình không giải ngân được vốn, giải ngân vốn được nhưng tiến độ chậm, tránh việc xử lý để tăng tỷ lệ giải ngân, tiền có để gửi ngân hàng, điều này là không thể cho phép. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Luật Đầu tư công.

Qua báo cáo của các bộ, Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2017, đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương chủ động điều hòa vốn trong kế hoạch được giao, để số vốn tiêu được hết, dồn lại các công trình hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng; đề xuất bỏ cơ chế phê duyệt chủ trương đầu tư trước 31/10 năm trước để giải quyết các vướng mắc hiện nay.

Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, rà soát kỹ các nhà thầu thi công, nhà thầu phải có biểu đồ tiến độ thi công, quyết tâm giải ngân cơ bản trong tháng 8, 9/2017, để đến cuối năm giải ngân hết vốn. Giải ngân sớm để thúc đẩy tăng trưởng, có tiền tiêu thụ nguyên liệu, giảm bớt thua thiệt trong doanh nghiệp, Bộ trưởng nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục