Cô hiệu trưởng giàu ý tưởng, không ngừng sáng tạo vì học trò

Biến nhà để xe cũ kỹ thành công viên thu nhỏ ngay trong sân trường, xây dựng thư viện thân thiện để khích lệ học sinh đọc sách... ý tưởng của cô Lý đã mang lại nhiều niềm vui cho học trò.
Cô Lê Thị Thu Lý. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Cô Lê Thị Thu Lý. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Đến Trường Tiểu học Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội), nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy một công viên xanh thu nhỏ ngay trong khuôn viên sân trường với khu vui chơi, khu đọc sách, khu thể thao, khu vẽ tranh... Đó là Góc cộng đồng của trường Xuân Nộn được cải tạo từ nhà để xe cũ kỹ - một trong những ý tưởng sáng tạo của cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Lý - nhằm mang lại niềm vui ngoài giờ học cho học trò thân yêu của mình.

“Mỗi lần nhìn ngắm học sinh say sưa, thích thú vui chơi ở Góc cộng đồng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã góp phần mang lại niềm vui cho các em,” cô Lý chia sẻ.

Hiệu trưởng giàu ý tưởng

Ra trường năm 1992, với 27 năm công tác trong ngành giáo dục, từng công tác ở 4 trường tiểu học khác nhau, lại là một nhà giáo tâm huyết, hết mình vì học trò, cô Lý rất hiểu tâm lý, những mong muốn, sở thích của các học sinh lứa tuổi tiểu học.

Ở cương vị hiệu trưởng, cô đã mạnh dạn áp dụng nhiều mô hình mới vào trường học, có nhiều ý tưởng sáng tạo để xây dựng môi trường giáo dục ngày càng tốt hơn cho học trò.

Năm học 2016-2017, nhận thấy việc đọc sách của học sinh còn nhiều hạn chế do trường thiếu phòng đọc, cô Lý đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ kinh phí xây dựng mô hình Thư viện thân thiện trong trường học. Thư viện đã mang lại một không gian sinh động với lượng sách phong phú, hình ảnh hấp dẫn, thu hút các em học sinh. Từ khi có thư viện thân thiện, các em học sinh đã có thói quen đọc sách, tìm đến với thư viện ngày một đông hơn.

Cô hiệu trưởng giàu ý tưởng, không ngừng sáng tạo vì học trò ảnh 1Góc sinh hoạt cộng đồng của Trường Tiểu học Xuân Nộn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm học 2017-2018, cô Lý đề xuất với Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh xin được thực hiện Đề án Dạy bơi cho học sinh bằng bể bơi thông minh trong dịp hè. Đề án đã được cha mẹ học sinh đồng tình hưởng ứng và thu hút đông đảo học sinh tham gia. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh được phổ cập bơi nâng lên rõ rệt.

Năm học 2018-2019, nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện với môi trường trong nhà trường, bằng sự sáng tạo của mình, cô đã cải tạo nhà xe cũ kỹ thành Góc sinh hoạt cộng đồng. Với ý tưởng tạo ra một không gian xanh, thân thiện, tại góc sinh hoạt cộng đồng này, cô đã cho trải thảm cỏ nhân tạo, đặt các giá sách nhiều hình thù ngộ nghĩnh, những chiếc cầu bập bênh, những con thú đồ chơi… để học sinh có thể vừa ngồi vui chơi thư giãn vừa đọc sách.

[Người mẹ hiền của nhiều em nhỏ người Mông trên đỉnh Sảng Pả]

Góc sinh hoạt cộng đồng còn dành một không gian cho các em được tự mình sáng tác tranh cũng như ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật từ chính đôi bàn tay khéo léo của thầy cô và các bạn trong trường.

Cùng với khu đọc sách, khu vẽ tranh, nơi đây còn được đặt các dụng cụ thể thao, các đồ chơi phù hợp với lứa tuổi để các em được vui chơi rèn luyện thân thể sau những giờ học căng thẳng trên lớp.

Cô hiệu trưởng giàu ý tưởng, không ngừng sáng tạo vì học trò ảnh 2Học sinh Trường Tiểu học Xuân Nộn vui chơi tại Góc sinh hoạt cộng đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng hành cùng giáo viên

Với phương châm “chất lượng là danh dự của mỗi nhà trường,” cô Lý luôn trăn trở làm thế nào để tạo dựng được niềm tin trong nhân dân về ngôi trường nơi họ gửi gắm con em vào học tập. Xác định để có chất lượng tốt, trước tiên phải có giáo viên tốt nên bên cạnh việc chăm lo đời sống tinh thần cho học sinh, cô Lý đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.

Thế rồi, vị hiệu trưởng ấy thường xuyên dự giờ, tận tình góp ý cho đồng nghiệp. Cô tạo điều kiện để giáo viên có cơ hội được tiếp cận học tập phương pháp giảng dạy từ các chuyên gia, các nhà giáo có uy tín, có kinh nghiệm trong và ngoài nước nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cho giáo viên.

[Giáo viên Hà Nội nuôi ếch xanh, giúp học sinh thành phố làm nông dân]

Từ một ngôi trường chưa bao giờ có học sinh, giáo viên giỏi cấp thành phố, những năm gần đây, Trường Tiểu học Xuân Nộn luôn có giáo viên đạt giải cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, có học sinh đoạt huy chương vàng cấp thành phố, huy chương bạc cấp quốc gia.

Chia sẻ về “bí kíp,” cô Lý cho biết, điều quan trọng là hiệu trưởng phải đồng hành cùng giáo viên.

“Để khích lệ giáo viên thì hiệu trưởng trước tiên phải tạo cho họ sự tự tin vào bản thân, niềm tin vào người lãnh đạo, để họ sẵn sàng bộc lộ những suy nghĩ của mình trong quá trình giảng dạy. Từ đó, hiệu trưởng phải khơi gợi và khuyến khích những điều tích cực ở họ, dù là nhỏ nhất, để họ có thể mạnh dạn thể hiện hết khả năng và nỗ lực không ngừng. Bản thân hiệu trưởng cũng không được xa rời chuyên môn mà phải cùng suy nghĩ, cùng nỗ lực với họ,” cô Lý chia sẻ.

Không chỉ nhiệt huyết và sáng tạo trong chuyên môn, cô Lê Thị Thu Lý còn là một nhà giáo giàu lòng nhân ái. Nhận thấy nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cô đã vận động các nhà hảo tâm, các phụ huynh và tập thể giáo viên đóng góp hỗ trợ các em. Bản thân cô trong ba năm qua đã nhận đỡ đầu hai học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thay cha mẹ đóng tiền học cho các em mỗi tháng. Là người huyết áp thấp nhưng cô Lý đã cố gắng chăm sóc sức khỏe bản thân để có thể ba lần tham gia hiến máu nhân đạo.

Với những nỗ lực của mình, cô Lý đã vinh dự được nhận bằng khen của Ủy ban Nhân dân thành phố, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đạt danh hiệu Người tốt việc tốt. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô vừa được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 40 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo của Thủ đô năm 2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục