Cơ hội để thuyết phục Ấn Độ trở lại RCEP: Giờ G sẽ điểm sau 11 tháng?

Việc Ấn Độ vắng mặt trong RCEP sẽ phá vỡ sự tiến bộ và phát triển kinh tế không chỉ ở Ấn Độ và khu vực Nam Á mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực Đông Á.
Toàn cảnh Hội nghị Cấp bộ trưởng về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại Trung tâm Hội nghị IMPACT Muangthong Thani, tỉnh Nontha Buri, Thái Lan. (Ảnh: Lý Hữu Kiên/TTXVN)

Nhà nghiên cứu, nhà báo kỳ cựu của Thái Lan Kavi Chongkittavorn vừa có bài phân tích về khả năng ASEAN đưa Ấn Độ trở lại Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được đăng trên nhật báo Bưu điện Bangkok (Bangkokpost).

Theo bài viết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ bay tới New Delhi vào tuần tới để gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Sứ mệnh của ông Abe là thuyết phục Ấn Độ đồng thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được các bên kết thúc đàm phán ở Bangkok vào tháng trước sau 7 năm nỗ lực.

11 tháng để đưa ra quyết định sống còn

Vài giờ đồng hồ trước khi tuyên bố chính thức được đưa ra vào ngày 4/11 vừa qua, Thủ tướng Modi nói với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha rằng bản thân ông rất mong muốn ký kết thỏa thuận trên, nhưng Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng, đồng thời tái khẳng định rằng RCEP sẽ tiếp tục được xem xét trong thời khắc quan trọng này. Chủ tịch ASEAN, Thái Lan, đã chấp thuận yêu cầu từ phía Ấn Độ.

Đoạn văn cuối cùng của tuyên bố chung về RCEP là nội dung đề nghị từ phía Ấn Độ. Đoạn văn nêu rõ: “Ấn Độ có nhiều vấn đề nổi lên cần phải giải quyết. Tất cả các nước thành viên RCEP sẽ phối hợp với nhau để giải quyết những vấn đề đó bằng các giải pháp có thể làm hài lòng tất cả các bên. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào mức độ hài lòng của các thành viên về giải pháp được đưa ra liên quan đến các vấn đề trên.”

Mặc dù vậy, những dòng tít của các bản tin toàn cầu đã ngay lập tức đưa ra cái nhìn tiêu cực về Ấn Độ, vội vàng kết luận rằng nước này đã rút khỏi Hiệp định RCEP.

Trong khi đó, tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh RCEP cũng có những nội dung gây nhầm lẫn, trong đó đoạn văn thứ năm khẳng định: "Chúng tôi lưu ý rằng 15 nước thành viên RCEP đã kết thúc đàm phán về lời văn đối với tất cả 20 chương và gần như tất cả các vấn đề về tiếp cận thị trường; đồng thời, giao cho các bộ phận pháp lý rà soát kỹ để tiến tới ký kết vào năm 2020.”

[Hiệp định RCEP có thể vẫn còn những đề xuất gây tranh cãi]

Thực tế là, tuyên bố trên đã không nhấn mạnh rằng trên thực tế tất cả 16 nước RCEP, gồm cả Ấn Độ đã hợp tác với nhau để hoàn thành đàm phán toàn bộ các chương của hiệp định. Ấn Độ chỉ không hài lòng về một số vấn đề mang tính kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực đầu tư.

Các vấn đề khác, chẳng hạn như “cơ chế bảo hộ tự động kích hoạt” đã được các bên nhất trí từ lâu.

Trong vòng 11 tháng tới, Ấn Độ sẽ có khoảng thời gian đủ để đưa ra quyết định sống còn về việc có tham gia hiệp định thương mại tự do quy mô lớn nhất thế giới hay không.

Theo đó, 15 nước thành viên RCEP còn lại, đặc biệt là các nước ASEAN, cần phải kiên trì. Tất cả các bên vẫn cần phải cùng nhau đạt được những nhượng bộ tiếp theo.

Trong thời điểm hiện tại, chưa có một hội nghị nào về RCEP được lên kế hoạch ngoại trừ lịch làm việc các nhóm chuyên gia rà soát pháp lý.

Vai trò của Ấn Độ trong RCEP

Trên thực tế, một số nước ASEAN đã “quá mệt mỏi” về Ấn Độ - với những bực dọc bắt nguồn từ các cuộc đàm phán với Ấn Độ mà không có kết quả cụ thể - và đã sẵn sàng tham gia RCEP mà không có sự tham gia của nước này.

Có một “bí mật công khai” rằng các nước thành viên ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tự hào về thỏa thuận thương mại tự do ưu việt của mình.

Thực tế chứng minh rằng Thái Lan - nước giữ chức Chủ tịch ASEAN - có một chút e dè về các chế độ thương mại tự do hơn so với các đối tác ASEAN khác.

Trong nhiều thời điểm, Thái Lan rất xuất sắc trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên phát triển và thành viên đang phát triển, cũng như giữa các thành viên ASEAN và thành viên không thuộc ASEAN.

Tuy nhiên, Chủ tịch ASEAN đã nhiều lần bị làm khó bởi một số đối tác ASEAN khác trong việc thuyết phục Ấn Độ.

Giới chuyên gia hy vọng rằng trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam với tư cách là một thành viên CPTPP sẽ đủ khả năng duy trì đà sẵn có và hợp tác tích cực hơn với Ấn Độ.

Người ta đã đặt câu hỏi về lập trường mới nhất của Nhật Bản đối với RCEP, trong đó liên quan trực tiếp đến Ấn Độ. Vào cuối tháng trước, Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Công thương Nhật Bản cho biết nước này sẽ không gia nhập RCEP nếu không có sự tham gia của Ấn Độ.

Tuy nhiên, khả năng đó ngay lập tức bị Tokyo bác bỏ mặc dù theo quan điểm của Nhật Bản, một RCEP không có Ấn Độ sẽ phá hủy sự cân bằng cả sức mạnh kinh tế và chính trị ở khu vực. Đồng thời, điều đó cũng sẽ tác động xấu đến và vai trò trung tâm và cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Nhật Bản và Ấn Độ có mối quan hệ thực chất bởi vì họ đều là những đối tác “chiến lược” và “toàn cầu” có nhiều điểm chung về thông lệ truyền thống và giá trị, phản ánh tham vọng giữ vai trò toàn cầu của mỗi nước.

Tokyo chắc chắn sẽ làm tất cả những gì có thể, trong đó có việc hỗ trợ lâu dài trong quá trình xây dựng năng lực cho tất cả các lĩnh vực có thể tăng cường lợi thế cạnh tranh của New Delhi trong xuất khẩu và làm dịu tâm lý bảo hộ của nước này.

Nếu Ấn Độ không tham gia RCEP, tính hấp dẫn của Hiệp định này có lẽ sẽ trở nên mờ nhạt. Đối với ASEAN, Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ sẽ vẫn chỉ là lời nói viển vông sau nhiều năm chờ đợi những bước đi cụ thể.

Các lãnh đạo ASEAN đã đầu tư mạnh mẽ chưa từng thấy vào vai trò lãnh đạo của ông Modi, với hy vọng Ấn Độ sẽ cởi mở và trở nên tích cực hơn.

Thêm vào đó, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được nước này ca tụng bấy lâu cũng sẽ có thể bị tác động tiêu cực bởi việc đặt nặng vào vai trò trung tâm của ASEAN.

Niềm hy vọng của ASEAN chứng kiến Ấn Độ trở thành một đối trọng trong cạnh tranh nước lớn ở khu vực sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ chưa thành.

Việc Ấn Độ vắng mặt trong RCEP sẽ phá vỡ sự tiến bộ và phát triển kinh tế không chỉ ở Ấn Độ và khu vực Nam Á mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực Đông Á. Sự thiếu khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trong xuất khẩu có thể được giải quyết bởi vì ông Modi có tỷ lệ ủng hộ cao sau khi tái đắc cử vào tháng Năm vừa qua.

Trong trường hợp Ấn Độ vắng mặt trong lễ ký kết RCEP ở Hà Nội vào năm 2020, gần như sẽ không còn cơ hội để kéo Ấn Độ tham gia Hiệp định này.

Ấn Độ có một lịch sử ngoại giao lâu đời và đáng tự hào về sự quả quyết và độc lập. Ấn Độ chỉ có thể trở thành một trong 16 thành viên RCEP ở thời điểm này hoặc sẽ không bao giờ còn khả năng đó trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục