Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành phim ảnh châu Phi, khiến các rạp chiếu phim phải đóng cửa trong khi các hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Tuy nhiên, ở một khía cạnh tích cực, đây lại là giai đoạn mang lại nhiều cơ hội mới cho các dịch vụ truyền phát trực tuyến (streaming) và cung cấp video theo yêu cầu trực tiếp.
Đây là nhận định mới được các bên tham gia Liên hoan phim liên châu Phi đưa ra ngày 22/10.
Liên hoan phim lớn nhất châu lục tại thủ đô Ouagadoudou của Burkina Faso diễn ra trong một tuần. Alex Moussa Sawadogo, Tổng phụ trách liên hoan phim, cho rằng ngành sản xuất phim ảnh châu Phi hoàn toàn có thể tận dụng những cơ hội kiếm lợi nhuận trong giai đoạn chuyển đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng hiện nay.
Những thay đổi diễn ra chủ yếu nhờ khả năng tiếp cận Internet tốc độ cao dễ dàng hơn, với hơn 40% tổng dân số 1,3 tỷ người tại châu lục đã có thể sử dụng Internet tốc độ cao, trong khi đại dịch khiến nhu cầu các dịch vụ Internet càng gia tăng.
Sawagogo so sánh chỉ khoảng 5 năm trước tại vùng nông thôn Burkina Faso, người dân thường tập trung tại các rạp chiếu phim tạm bợ với những chiếc ghế dài hoặc những tấm chiếu trải dưới đất nhưng ngày nay, người dân đã có tivi kết nối Internet để xem phim.
Nhiều người đã chuyển sang dùng điện thoại thông minh và máy tính bảng để tự tạo nội dung và truyền trên mạng Internet.
[Cuộc đua giữa các nền tảng truyền phát trực tuyến ngày càng gay cấn]
Theo báo cáo của UNESCO công bố hồi đầu tháng này, các lĩnh vực phim ảnh và âm thanh của châu Phi có tiềm năng tạo thêm 20 triệu việc làm và khoảng 20 tỷ USD doanh thu mỗi năm, tăng mạnh so với mức 5 tỷ USD hiện nay.
Giá trị thị trường của lĩnh vực thuê bao đăng ký xem video theo yêu cầu được dự báo tăng trưởng từ mức 3,9 tỷ USD năm 2020 lên mức 13 tỷ USD vào năm 2025, trong đó sự xuất hiện của nền tảng streaming Netflix tại châu Phi từ năm 2019 được cho là sẽ tạo ra động lực to lớn cho ngành này.
Không chỉ Netflix, nhiều nền tảng streaming khác như Canal+ của Vivendi, Orange và MultiChoice cũng đang tìm kiếm những nội dung phù hợp với người xem tại châu lục và ký các thỏa thuận phân phối để giành thị phần tại châu lục này.
Jonathan Lett, tổng giám đốc Canal+ tại Burkina Faso, cho biết trung bình mỗi tuần công ty này lại mua thêm một phim của các nhà sản xuất châu Phi và phối hợp sản xuất một bộ phim mỗi tháng để bổ sung danh sách các lựa chọn phát hành.
Tuy nhiên, ông này cũng cho biết phải cần tới vài năm nữa thị trường nội dung số châu Phi mới đạt đến độ nở rộ khi các gói truy cập Internet tốc độ cao không giới hạn trở nên hợp túi tiền hơn.
Ibrahima Kane, giám đốc dịch vụ của công ty Digital Virgo, hiện đang là đối tác của Orange, khẳng định tiềm năng khai thác thị trường truyền phát của châu Phi là vô hạn.
Ông cho rằng dù không dám chắc các nền tảng có thể thay thế các kên truyền thống hay không nhưng chắc chắn sẽ tạo ra thay đổi đáng kể.
Nếu như trước đây các bộ phim thường được trình chiếu ở các rạp phim trường thì giờ đây sẽ xuất hiện đầu tiên trên các nền tảng kỹ thuật số./.