Cơ hội và thách thức nào cho mạng 5G ở Việt Nam?

Việt Nam là một trong những nước triển khai 5G sớm nhất trên thế giới tuy nhiên cùng với cơ hội cũng có rất nhiều thách thức đang chờ đón.
Cơ hội và thách thức nào cho mạng 5G ở Việt Nam? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Techradar)

Vốn được xem là "xương sống" của Cách mạng công nghiệp 4.0, sự ra đời của 5G cùng với sự tăng trưởng chóng mặt về số lượng thiết bị IoT được đánh giá là một cuộc cách mạng số hóa của thời đại mới.

Với những ưu điểm nổi trội, công nghệ 5G hứa hẹn sẽ trở thành một ngành kinh doanh màu mỡ. Theo đánh giá của IHS - công ty hàng đầu về thu thập thông tin và đánh giá thị trường toàn cầu, tiềm năng kinh tế của 5G được thể hiện qua hàng hóa và dịch vụ là 12.000 tỷ USD vào năm 2035, vượt qua GDP của nhiều quốc gia phát triển. Sẽ không phải bàn cãi khi đánh giá 5G sẽ giúp “các giấc mơ công nghệ” trở thành sự thật.

Theo thống kê của hãng công nghệ Qualcomm (Hoa Kỳ), trên thế giới hiện có hơn 18 nhà mạng 5G đã triển khai với hơn 20 nhà cung cấp các thiết bị khác nhau. Hiện cũng có 134 mạng thử nghiệm 5G tại 62 quốc gia trên toàn cầu.

Cuộc đua giành thị phần cung cấp thiết bị 5G cũng đang nóng lên từng ngày với sự cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn công nghệ tên tuổi như Qualcomm, Intel (Mỹ), Ericsson (Thụy Điển), Huawei (Trung Quốc).

Mạng 5G được thế giới được dự báo sẽ bùng nổ vào năm 2020 và sẽ tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ, sự ổn định cho thiết bị di động, xóa bỏ khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối Internet vạn vật.

Viễn cảnh các ngành kinh tế thay đổi mạnh mẽ bởi sự xuất hiện của 5G đã bắt đầu được định hình. Mạng 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội phát triển ngành công nghệ thông tin của Việt Nam trong tương lai.

5G Việt Nam đã sẵn sàng lên "bệ phóng"

Theo các chuyên gia, cơ hội cho Việt Nam phát triển mạng rất hứa hẹn. 5G không đơn thuần là kết nối thoại và dữ liệu như 4G mà sẽ được ứng dụng vào nhiều ngành kinh tế khác nhau nhờ độ trễ thấp, dung lượng lớn và thời gian đáp ứng nhanh.

Trong thập niên 1990, nhờ sự mạnh dạn và chủ động với 2G, Việt Nam đã từng lọt top 20 thế giới. Nhưng khi chuyển sang công nghệ 3G/4G, vì sự đi sau về công nghệ và thiếu yếu tố cạnh tranh mới mà viễn thông Việt Nam đang xếp hạng thứ 115/193 về mật độ thuê bao di động băng rộng, theo xếp hạng của ITU năm 2017, tức là mức dưới trung bình của thế giới.

Tuy nhiên, với việc vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ và các doanh nghiệp công nghệ - viễn thông, Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho cuộc đua Mạng di động thế hệ thứ 5.

Thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G từ năm 2019, đến 2020 khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam cũng sẽ là nước đầu tiên triển khai 5G phát triển thương mại cùng thế giới. Các nhà mạng lớn của Việt Nam như Viettel, MobiFone hay VNPT cũng đã bắt đầu triển khai hạ tầng, cơ sở kỹ thuật cho mạng 5G.

Trước đó tại Hội thảo "Đổi mới sáng tạo Việt Nam" diễn ra vào ngày 14/11/2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Công nghệ 5G  là cơ hội để Việt Nam chúng ta thay đổi thứ hạng. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G".

Cơ hội và thách thức nào cho mạng 5G ở Việt Nam? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Swarajya)

Cũng theo Bộ trưởng, đây không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp viễn thông - Công nghệ thông tin của Việt Nam. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra một thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.

Không chỉ đi một mình trong cuộc chạy đua mạng 5G, Việt Nam đã và đang cho thấy sự hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực ASEAN để cùng nhau phát triển.

Tại Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ năm (5G) diễn ra tại Hà Nội vào 21-22/3/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Trong những năm tới, ASEAN sẽ coi 5G là ưu tiên số một trong các hoạt động hợp tác về ICT. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên ASEAN khác để triển khai 5G và thúc đẩy chuyển đổi số."

Hội nghị ASEAN về 5G tại Hà Nội lần này là hội nghị đầu tiên của về 5G. Là một thông điệp gửi đi về việc các nước ASEAN sẽ cùng đi đầu với thế giới về công nghệ mới. Sẽ không còn chuyện, có những nước ASEAN đi sau thế giới về 3G/4G 6-8 năm. Đây cũng là hội nghị đầu tiên, khi các nước ASEAN cùng nhau trên tinh thần: Làm việc cùng nhau và cùng nhau phát triển. Cùng nhau bàn bạc về lộ trình cho một công nghệ mới.

Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra, khi một công nghệ mới như 5G xuất hiện thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước ASEAN chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận. Hội nghị về 5G của chúng ta lần này cũng là để bàn về cách tiếp cận của ASEAN. Đây là hội nghị đầu tiên và Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tiếp theo để ASEAN chúng ta luôn đi cùng nhau, luôn chia sẻ cùng nhau."

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí hậu cần và giao dịch, thông qua trao đổi trực tuyến sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh.

"Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nước ASEAN hiện đang hợp tác chặt chẽ với mục tiêu phát triển và xây dựng một ASEAN số. Chúng ta đều biết, 5G là một nhân tố không thể thiếu trong công cuộc hiện thực hoá mục tiêu này. Đối với 5G, các nước ASEAN đặt mục tiêu sẽ triển khai đồng bộ cùng lúc với các nước phát triển khác trên thế giới. Về lĩnh vực ICT, ASEAN cần trở thành những nước đi đầu", ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết Việt Nam hiện cũng đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IoT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát…

Nói về cơ hội của Việt Nam, ông Lê Văn Thành, Giám đốc công nghệ của Dell EMC cho hay: Việt Nam có dân số đông và trẻ, tỷ lệ sử dụng thiết bị thông minh có kết nối internet cao so với thế giới. Chính phủ Việt Nam có những chính sách rất sớm để thúc đẩy 5G như Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp băng tầng để thử nghiệm 5G trong năm 2019 và tiến tới thương mại hóa trong năm 2020. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G."

Cũng chung nhận định, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi trong việc triển khai 5G.

"Thứ nhất chúng ta có một hạ tầng viễn thông rất tốt, mạng lưới 4G đã phủ sóng toàn quốc, 95% dân số sử dụng 4G. Thứ hai là tài nguyên về băng tần đã sẵn sàng cho 5G. Thứ ba, có sự hỗ trợ chính sách của nhà nước. Hiện nay công nghệ 5G có sự phát triển mạnh mẽ, hơn 20 nhà mạng trên thế giới đã công bố kế hoạch triển khai trong năm 2019 - 2020.  Các thiết bị đầu cuối cũng đã sẵn sàng, Qualcom sắp tới đưa ra các chính sách khiến giá các thiết 5G sẽ giảm mạnh đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam, đó cũng là một sự thuận lợi."

[Chính phủ mong các doanh nghiệp đóng góp xây dựng mạng 5G phát triển]

Với kỳ vọng chỉ vài năm nữa 5G sẽ thực sự mang lại bước đột phá cho Việt Nam trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, khi được triển khai rộng rãi, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Những thách thức từ nền tảng của tương lai

5G sẽ là mảnh đất màu mỡ cho thực tế ảo, các ứng dụng theo thời gian thực, xe tự lái, máy bay không người lái, mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT)... Chính các ưu điểm vượt trội và tiềm năng rất lớn của mạng 5G sẽ đặt ra nhiều thách thức trong tương lai cho Việt Nam.

Chính phủ, các nhà mạng viễn thông hay các công ty công nghệ sẽ phải đối mặt với các vấn đề bao gồm việc quản lý hàng triệu các thiết bị cùng kết nối. Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo được an toàn thông tin mạng và hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Việc hiện thực hóa 5G cũng cần 4 điều kiện cơ bản: chính sách nền công nghiệp quốc gia, quy hoạch tần số, sự chuẩn bị của hạ tầng ứng dụng, và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân tài.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng cho biết: "Khi công nghệ 2G trên thế giới bắt đầu, chỉ sau vài năm Việt Nam đã nằm trong tốp 20 thế giới về mạng di động. Nhưng gần 30 năm sau đó, Việt Nam đứng dưới trung bình của thế giới về mật độ thuê bao băng thông rộng". Điều này cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng dịch vụ viễn thông ở Việt Nam chủ yếu vẫn là cuộc gọi và tin nhắn.

Ước tính hiện nay cả Việt Nam có khoảng 13 triệu thuê bao di động có kết nối dữ liệu, chiếm 30% tổng số thuê bao di động. Trong đó, kết nối dữ liệu chủ yếu sử dụng cho giải trí, nhiều nhất là mạng xã hội. Ngoài ra, có thể kế đến một số ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh như đặt xe, đặt hẹn, mua sắm.

Tuy nhiên, những nhu cầu này hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi hạ tầng mạng 3G hay 4G. Chưa kể, chất lượng đường truyền 4G hiện nay chưa được đúng chuẩn, chỉ nhanh hơn 3G vài lần chứ không được 10 lần như tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra.

Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, 5G tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai.

"5G đòi hỏi hạ tầng viễn thông mạng phổ rộng và tốc độ cao, nó tạo ra vấn đề về việc đầu tư hạ tầng kết nối. Để có mạng 5G chạy tốt phải có mạng kết nối cáp quang giữa các trạm phát rất nhiều, dày đặc mới thực hiện được. Thách thức thứ hai ở chính các nhà mạng, các nhà mạng hầu hết mới đầu tư 4G, rất có thể chưa đủ thời gian thu hồi vốn, bây giờ đầu tư cho một thế hệ mạng mới với nguồn tài chính lớn cũng là một sự cân nhắc kỹ. Năm 2019 có thể chưa bùng nổ về công nghệ mạng 5G, có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến năm 2020 hoặc 2021."

"Hơn hết, đầu tư vào vào viễn thông đặc biệt là 5G là câu chuyện dành cho các doanh nghiệp mạnh về tài chính. Các doanh nghiệp viễn thông nhỏ gặp rất nhiều thách thức và khó khăn.", ông Bình nhấn mạnh.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Qatar, Bahrain… đã chi những khoản tiền rất lớn cho nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ này. Dự báo tới năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 1.500 tỷ USD được đầu tư vào công nghệ này. Chính vì vậy, 5G không phải là một cuộc đua “bình dân" vì để triển khai 5G, các nhà mạng cũng cần một khoản kinh phí đầu tư rất lớn.

Ông Lê Văn Thành, Giám đốc công nghệ của Dell EMC cho biết: "Thách thức của Việt Nam là số người sử dụng những thiết bị cũ chỉ có công nghệ 2G, 3G vẫn còn đông nên khi triển khai mạng 5G người dùng sẽ phải thay đổi thiết bị của họ. Các hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai tại các doanh nghiệp vẫn là công nghệ cũ. Để sẵn sàng cho công nghệ 5G các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hạ tầng công nghệ thông tin của họ. 5G là công nghệ để giải quyết vấn đề tốc độ đường truyền cao, độ trễ thấp cũng như tiêu thụ năng lượng thấp, nhưng đấy chỉ về mặt truyền dữ liệu. Đằng sau việc tiếp nhận một dữ liệu thông tin rất lớn, chúng ta phải đối mặt với việc làm sao để khai thác, phân tích dữ liệu đó để tạo ra những thay đổi trong kinh doanh."

Cơ hội và thách thức nào cho mạng 5G ở Việt Nam? ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: Tasnimnews.com)

Một yếu tố quan trọng khác để 5G phát triển là phải có các ứng dụng đi kèm. 5G được kỳ vọng áp dụng nhiều trong lĩnh vực giao thông như xe tự lái, điều tiết giao thông theo thời gian thực; lĩnh vực sức khỏe như phẫu thuật từ xa hay kết nối vạn vật (IoT). Nhưng thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhu cầu của các lĩnh vực này còn khá ít ỏi, đặt ra bài toán kinh doanh cho các nhà phát triển.

Ngay cả một số nước có nền kinh tế phát triển, tổng thể hạ tầng tốt hơn Việt Nam rất nhiều, họ vẫn khá dè dặt với sự phát triển của 5G. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội GSM toàn cầu cho biết, cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025 dự kiến có khoảng 675 triệu thuê bao 5G, chiếm 14% tổng số thuê bao di động và 37% dân số. Trong số đó, những nước có hạ tầng phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cũng chỉ tập trung ở các vùng đô thị và đến 2025 chỉ có khoảng 50-60% thuê bao di động có kết nối 5G.

Thực tế cho thấy ở các nước phát triển, nếu các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện đúng cam kết băng thông, chất lượng đường truyền đúng chuẩn 4G, thì hầu hết các ứng dụng và nhu cầu của người tiêu dùng đều có thể đáp ứng được với 4G. Các nhà phát triển ứng dụng đại chúng cũng chưa thực sự quan tâm nhiều đến 5G vì họ cũng chạy theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Một thách thức khác đối với Việt Nam là vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng. Với việc đứng "đầu bảng" bị tấn công mạng tại Đông Nam Á (số liệu năm 2018), Việt Nam sẽ trở thành "miếng mồi ngon" khi triển khai hàng loạt dịch vụ 5G.

Vì 5G cho phép nhiều kết nối hơn, khả năng thu hút sự chú ý từ tội phạm mạng sẽ tăng lên đáng kể. Thiết bị IoT sẽ dễ bị tấn công theo hai cách, do lỗ hổng trên chính các thiết bị, và do các mạng botnet vượt ra ngoài các thiết bị, ảnh hưởng đến cả các hệ thống điều khiển thông minh chứ không chỉ trộm cắp danh tính hay gian lận thẻ tín dụng.

[Mạng 5G và cuộc chiến bảo mật thông tin]

Theo Statista (một cổng thông tin trực tuyến về thống kê của Đức), số lượng thiết bị IoT được dự báo sẽ tăng lên 31 tỉ vào năm 2020, 74 tỉ vào năm 2025, dẫn đến nhiều thách thức về vấn đề bảo mật. Khi tiến gần hơn đến một thế giới siêu kết nối với cơ sở hạ tầng 5G, các mối đe dọa bảo mật không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa./.

5G (tiếng Anh là 5th Generation) - dạng viết tắt của công nghệ mạng di động thế hệ thứ 5, được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU-R) phê chuẩn tên gọi chính thức là IMT-2020 (vào năm 2015). Mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới, hấp dẫn và sẽ được bắt đầu khai thác thương mại tại châu Á và Mỹ vào năm 2020. Với nhiều ưu điểm vượt trội so với 4G, mạng 5G được kỳ vọng sẽ là cuộc cách mạng mới của thế giới di động, tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống con người.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục