Có khoảng 22 tấn chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa mỗi ngày

Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường tham quan các gian hàng thân thiện với môi trường. (Ảnh: T.G/vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường tham quan các gian hàng thân thiện với môi trường. (Ảnh: T.G/vietnam+)

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa (khoảng 22 tấn/ngày).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, do Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức ngày 16/8 tại Hà Nội.

Lượng chất thải y tế phát sinh ngày càng gia tăng

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, nhựa là vật liệu đa năng, nhẹ, bền và có giá thành hợp lý, được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trong cuộc sống hiện đại, bao gồm cả ngành y tế.

“Ngành y tế có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho khoảng hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú. Khi vào bệnh viện thì bệnh nhân thường đi kèm theo từ 1-2 người nhà cho nên lượng rác thải từ bệnh nhân và người nhà cùng với rác thải liên quan đến y tế rất lớn,” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ.

Bộ trưởng Bộ Y tế nói về kế hoạch hạn chế chất thải nhựa trong ngành:

Cụ thể, chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như từ bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.

Chất thải nhựa đang trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu bởi những đặc tính bền và khó phân hủy của nó. Ô nhiễm chất thải nhựa ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người.

Dẫn con số thống kê, bà Tiến cho hay, ước tính có hơn 700 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.

Có khoảng 22 tấn chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa mỗi ngày ảnh 1Nhiều hoạt động tuyên truyền giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. (Ảnh: T.G/vietnam+)

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa.

Theo ông Hà, số lượng chất thải nhựa đang ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao... Nếu các loại chất thải nhựa này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội.

“Vì vậy, tôi đánh giá cao Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; đồng thời có nhiều sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa, thực hiện thúc đẩy việc giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải, quản lý chất thải nhựa,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Có khoảng 22 tấn chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa mỗi ngày ảnh 2Những vật liệu thân thiện với môi trường được trưng bày tại triển lãm của Bộ Y tế. (Ảnh: T.G/vietnam+)

Dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy

Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi văn bản số 161/LĐCP kêu gọi các tổ chức chính trị, các Bộ ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và toàn dân chung sức giải quyết vấn đề chất thải nhựa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/7/2019, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Đơn vị này cũng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và bước đầu thu được kết quả tích cực.

“Chúng ta cũng biết một số ưu điểm của sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong y tế đã góp phần phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế; đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Mặc dù vậy, nhiều vật liệu bao gói, vật dụng bằng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần có thể thay thế được bằng các vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường hơn,” Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích.

Có khoảng 22 tấn chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa mỗi ngày ảnh 3

Để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa nói chung cũng như giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế; Tiến hành nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế và người bệnh, người nhà người bệnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa 1 lần có thể thay thế được./.

Theo số liệu báo cáo năm 2017 của Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại là 21.374 tấn năm, lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%).

Tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh 116.058 tấn/năm, lượng chất thải sinh hoạt được xử lý là 114.219 tấn/năm (chiếm 98,4%).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục