Có lý do để kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ

Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào hạ tuần tháng Bảy, một thông tin khiến những người phản đối ông chủ Nhà Trắng tại Mỹ và châu Âu không hài lòng.
Có lý do để kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị APEC diễn ra ở Đà Nẵng, Việt Nam. (Nguồn: Time)

Theo trang globaltimes.cn, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào hạ tuần tháng Bảy, một thông tin khiến những người phản đối ông chủ Nhà Trắng tại Mỹ và châu Âu không hài lòng.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng ông muốn xây dựng chính sách đối ngoại mới cho Mỹ, và điều mà ông hướng đến là một mối quan hệ tốt đẹp hơn với nước Nga. Trump công khai phủ nhận những căng thẳng Mỹ-Nga theo kiểu Chiến tranh Lạnh cùng chính sách can thiệp và đối đầu với Nga. Thay vào đó, ông nhấn mạnh tới cách tiếp cận thực dụng hơn trong các vấn đề quan hệ quốc tế.

Trump muốn trực tiếp gặp gỡ giới lãnh đạo của các cường quốc và theo cách nhìn thực dụng của ông, đây là cách tốt nhất để vận hành mọi thứ nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ và các lợi ích chung.

Không ngạc nhiên khi ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã đón tiếp lãnh đạo các nước như Trung Quốc và Nhật Bản. Việc phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên cũng đã đem lại những kết quả cụ thể trong khi ông Trump tỏ ra chủ động hơn trong các vấn đề an ninh tại Đông Bắc Á. Tuy nhiên, những người phản đối ông lại nhìn nhận mọi chuyện theo một hướng khác và không ngừng chỉ trích các chính sách cả đối nội và đối ngoại của Tổng thống Trump.

Về phương diện chính sách đối ngoại, những người ủng hộ các chính sách truyền thống muốn thúc đẩy vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ. Trong khi đó ông Trump và những người ủng hộ lại đề cao chính sách hạn chế can thiệp và muốn xây dựng một chính sách đối ngoại độc lập. Nói một cách rộng hơn, khái niệm chiến lược của giới cầm quyền bảo thủ là việc tiếp tục Chiến tranh Lạnh theo một hình thức mới. Trong đó, kiềm tỏa khu vực Á-Âu được xem là trọng tâm chiến lược, Nga và Trung Quốc là những mục tiêu hàng đầu trong khi Iran cũng là nhân tố cần được tính đến.

[Global Times: Hội nghị Trump-Putin tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng]

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/7 tới là cơ hội để Nga và Mỹ tái khởi động quan hệ và thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề quan trọng. Chắc chắn hai bên sẽ có nhiều bất đồng song quan hệ Nga-Mỹ đủ quan trọng để hai bên tìm cách hạn chế những mâu thuẫn ảnh hưởng tới các thỏa thuận tiềm năng và to lớn.

Trong số những khu vực mà sự hợp tác Mỹ-Nga được đánh giá rất có triển vọng không thể không kể đến Đông Bắc Á và Trung Đông.

Với những tiến triển đáng chú ý trong vấn đề Triều Tiên, sự hỗ trợ từ Nga chắc chắn sẽ rất có ích cho tiến trình này. Việc phối hợp chặt chẽ với hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, cùng Nga và Trung Quốc là cách để Mỹ có thể đảm bảo lộ trình không thể đảo ngược tiến tới xây dựng cấu trúc an ninh toàn diện cho khu vực Đông Bắc Á.

Trung Đông là một thách thức lớn song có những khía cạnh mà sự hợp tác Mỹ-Nga đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đáng chú ý nhất phải kể đến chiến dịch truy quét chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan để ổn định tình hình tại Syria và Iraq.

Trong chiến dịch tranh cử và sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng hợp tác giữa Washington và Moskva có thể thúc đẩy hòa bình cho khu vực Trung Đông. Bối cảnh hiện nay tại Syria được xem là “chín muồi” cho hợp tác Nga-Mỹ bởi quân đội Syria dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad, và sự hậu thuẫn của người dân Syria, đang dần tiến tới giai đoạn cuối của cuộc chiến chống khủng bố.

Có ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump là người khá thực dụng khi ông hiểu rằng lập trường của Nga trong vấn đề Crimea là không thay đổi, và rằng tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn tại Ukraine sẽ hủy hoại nghiêm trọng mối quan hệ Nga-Mỹ.

Nói tóm lại, có lý do để người ta lạc quan về khả năng Tổng thống Trump sẽ đạt được thỏa thuận với nhà lãnh đạo Nga Putin trong những vấn đề then chốt. Thế giới cần hòa bình và phát triển, chứ không phải một cuộc đối đầu giữa các cường quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.