Có một lớp học xóa mù "đặc biệt" dưới chân cầu Sài Gòn

Đã ngoại lục tuần, mái tóc ngả sang màu hoa râm, thế nhưng bà Ngô Thị Xáy vẫn được những người dân sống dưới chân cầu Sài Gòn âu yếm gọi bằng cái tên cô giáo Xáy.
Có một lớp học xóa mù "đặc biệt" dưới chân cầu Sài Gòn ảnh 1Cô Xáy rèn chữ cho các em học sinh trong lớp. (Ảnh: Đậu Tất Thành/Vietnam+)

Đã ngoại lục tuần, mái tóc ngả sang màu hoa râm, những nếp nhăn đã hằn sâu trên vầng trán, thế nhưng bà Ngô Thị Xáy vẫn được những người dân sống dưới chân cầu Sài Gòn giáp ranh hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước (ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) âu yếm gọi bằng cái tên cô giáo Xáy.

Bà không thuộc biên chế của một đơn vị trường học nào, nhưng lớp xóa mù chữ do bà mở ra đã và đang góp phần nuôi dưỡng ước mơ của những đứa trẻ nghèo đang sinh sống nơi đây.

Người dân địa phương quen gọi hơn chục nóc nhà ven chân cầu này bằng cái tên xóm Việt Kiều-Campuchia. Không hộ khẩu, không khai sinh, ước mơ được cắp sách đến lớp, được học con chữ, học cách làm người với những đứa trẻ ở đây quả thật quá xa vời.

Thương những đứa trẻ nghèo, năm ngoái, bà Xáy gom hết bàn ghế trong nhà, đi xin sách vở mở lớp xóa mù. Rồi bà đến từng nhà vận động cha mẹ cho con em đến lớp. Lớp học từ 7-10 giờ tối, ban đầu chỉ có vài ba em, dần dần về sau cái khát khao biết đọc, biết viết đã lan tới nhiều đứa trẻ khác, và chúng tìm đến xin bà được đi học.

Bà Ngô Thị Xáy chia sẻ: "Lúc đầu, tôi không có ý định mở lớp học, hay suy nghĩ là sẽ trở thành giáo viên dạy các cháu ở đây học chữ. Tuy nhiên, khi thấy các cháu nghèo khổ sinh sống dưới chân cầu Sài Gòn, vì không có giấy tờ tùy thân nên không được đi học. Lúc đó tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó để các cháu biết được cái chữ. Nghĩ là làm, tôi gom góp tiền bạc mua dụng cụ học tập rồi vận động các cháu đến nhà học, lớp học xóa mù cũng từ đó mà được thành lập lên cho tới nay."

"Mặc dù có tốn kém, có cực nhọc nhưng tôi cảm thấy rất vui khi càng ngày càng có nhiều cháu theo học, thậm chí có những cháu đã có gia đình vẫn cùng chồng con đến lớp để học chữ. Càng vui hơn nữa khi giờ đây các cháu đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính cộng trừ nhân chia để có thể phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày," cô giáo Xáy hồ hởi khoe.

Cũng theo cô Xáy, tất cả các em ở đây, từ lớn đến bé trước khi đến lớp học của cô Xáy đều không biết mặt chữ, tuy nhiên, sau vài tháng theo học, các em đã biết đọc, biết ghép vần, biết ký tên của mình và biết làm những phép toán đơn giản.

Không chỉ dạy học cho trẻ em nghèo, bà Xáy còn kiêm nhiệm các vai trò tổ trưởng tổ phụ nữ, chi hội trưởng chi hội nông dân, chi hội người cao tuổi ấp 4 từ nhiều năm nay.

Gia đình bà Xáy chính là địa chỉ tin cậy cho người dân trong ấp mỗi khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn. Bà thường xuyên đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh, vận động, động viên họ nỗ lực vượt khó, chấp hành pháp luật nhà nước, đồng thời giúp đỡ quần áo, tiền bạc cho họ một cách vô tư, không vụ lợi. Đối với người phụ nữ này, Bác Hồ chính là tấm gương để bà suốt đời phấn đấu học tập và noi theo.

Ông Cao Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cho biết trong thời gian cô Xáy mở lớp xóa mù chữ, bên cạnh bản thân cô Xáy tự vận động là chính thì chính quyền địa phương cũng vào thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ sách vở, quần áo... phụ với gia đình cô Xáy về nước uống, điện thắp sáng hàng đêm.

"Qua thời gian học các em đã đọc được, viết được thành thạo. Đây là mô hình hay học tập và làm theo đọc đức Hồ Chí Minh được chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành khen ngợi," ông Thắng nhận định.

Chia tay lớp học đầy yêu thương của bà Xáy, chia tay các em học sinh đặc biệt này, chúng tôi tin tưởng rằng với tấm lòng đầy nhân ái yêu thương, bà sẽ tiếp tục gieo hạt mầm niềm tin và hy vọng vào tâm hồn của những đứa trẻ nghèo dưới chân cầu Sài Gòn, những tâm hồn trẻ thơ trong trẻo đang cần lắm một định hướng đúng đắn cho tương lai phía trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục