Có một 'nghĩa trang Trường Sơn' ở Tây Nam của Tổ quốc
Những người lính từ chiến trường Campuchia trở về gọi nghĩa trang Dốc Bà Đắc là nghĩa trang Trường Sơn của vùng Bảy Núi (Tịnh Biên, An Giang).
Minh Sơn - Sơn Bách
Những người lính từ chiến trường Campuchia trở về gọi nghĩa trang Dốc Bà Đắc là nghĩa trang Trường Sơn của vùng Bảy Núi (Tịnh Biên, An Giang).
Nơi đây đã quy tập được hơn 8.000 ngôi mộ của các chiến sỹ 3 miền Bắc - Trung – Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh; trong đó phần lớn là những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot.
Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc nằm trên địa bàn xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên. Trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, nghĩa trang Dốc Bà Đắc được hình thành và trực thuộc Sư đoàn 330. Sau nhiều lần tôn tạo, hiện thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tịnh Biên trực tiếp quản lý. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ai đã một lần đi qua nơi ấy, ngước nhìn lên bia đá nghĩa trang, đều sẽ có chung một cảm xúc tự hào và bi tráng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hình ảnh người lính đá vọng kèn vào trời xanh như khắc sâu trông tâm can con người ta một khúc tráng ca về những người đã ngã xuống. Cây kèn rướn về phía nơi mộ chí các anh, nghe trong gió vẫn như vang vọng tiếng hò reo ồn ã, tiếng từng bước chân đi theo lời hiệu triệu non sông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nơi nghĩa trang ấy, chẳng bao giờ vắng mùi hương trầm thoảng bay trong gió. Thân nhân liệt sỹ tới thắp hương những cho ngôi mộ đã tìm về được về với gia đình, người hành hương hay đồng đội năm xưa đốt nén nhang thơm bên bia mộ khuyết danh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Điều đặc biệt, những ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang này phần lớn là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất Campuchia. Và thời ấy, các anh còn rất trẻ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các anh trở về với đất mẹ, khi tuổi mới đôi mươi, người bỏ lại mẹ già nơi quê hương đang vào vụ gặt, người buông bút sách gác lại ước mơ tuổi trẻ lên đường đánh giác, có người là con thứ, con trưởng, con một, có người có vợ con, có người chưa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nơi các anh nằm xuống, người trên đất mẹ Việt Nam, người bỏ lại xác thân trên đất bạn Campuchia. Các anh trở về đây nhờ vòng tay những người đồng đội năm xưa. Khi chiến tranh cùng nhau xung phong ra mặt trận, ngày trở về lại dìu dắt nhau tìm lại những người đã anh dũng hy sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những đồng đội năm xưa dù không chung một đơn vị nay tập hợp bên nhau lập thành Đội Chuyên trách K90 Quân khu 9 và Đội Chuyên trách K93 An Giang tìm kiếm, cất bốc và hồi hương tại các tỉnh: Kandal, Kampong Chhnang, Koh Kong, Kampong Speu, Takeo, Kampot (Campuchia). Đến nay, Đội K93 đã tổ chức 30 đợt ra quân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phát hiện, cất bốc được 2.827 hài cốt liệt sĩ bao gồm cả trong nước và trên đất bạn Campuchia. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Ngô Văn Định, quản trang tại Dốc Bà Đắc cho biết: Tính trong vòng hai năm 2017-2018, đã có hơn 160 bộ hài cốt từ Campuchia được quy tập. Tuy nhiên, việc đưa những người lính đã nằm xuống trên đất nước chùa Tháp trở về ngày càng một khó khăn hơn do địa hình thay đổi, cộng với việc các nhân chứng đều đã không còn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chiến tranh đã qua đi 40 năm. 40 năm các anh vẫn còn gửi thân nơi đất bạn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Và tại nghĩa trang này, hàng trăm đồng đội, đồng chí còn lại vẫn cứ xây sẵn những hộc mộ trống để chờ các anh trở về giữa vòng tay Tổ quốc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những ngày cuối năm, “nghĩa trang Trường Sơn” phía Tây Nam của Tổ quốc vẫn ngào ngạt hương trầm và lồng lộng gió. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Có một nghĩa trang Trường Sơn ở Tây Nam Tổ quốc. (Video: Minh Sơn/Vietnam+)
Sáng 6/1, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức buổi Họp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng.
Campuchia lúc đó như một nghĩa địa khổng lồ, khắp nơi đều có xác người chết vì bị giết hại hoặc bị chết đói, chết vì bệnh tật, người dân Campuchia lúc đó lâm vào tình cảnh "sống dở, chết dở."
TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết “Thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, cao cả” của phó giáo sư, tiến sỹ Hồ Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Bình Dương tổ chức kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tây Nam của Tổ Quốc, Ba Chúc đã trở thành biểu tượng vĩnh cửu của nỗi đau và cũng là minh chứng bất diệt cho tội ác diệt chủng ghê rợn của Pol Pot.