Ngày 30/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo "Doanh nghiệp Nhà nước: thành công và những bài học đắt giá" thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu.
Tại hội nghị, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định cần có giải pháp đột phá về cổ phần hóa, tư nhân hóa cũng như giảm bớt số lượng các tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở loại bỏ và thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, thực sự không đại diện, không thể hiện được hình ảnh tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở rà soát lại ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của từng doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế.
Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện theo hướng chỉ cho phép những đơn vị này kinh doanh một số ngành nghề nhất định theo đúng chức năng đã quy định, không cho phép mở rộng quá nhiều ngành nghề, đồng thời tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu làm cơ sở để tiến hành cổ phần hóa, tư nhân hóa.
Ngày 20/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2014/NĐ-CP về việc từ ngày 10/7/2014, Chính phủ sẽ giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và thủ tục các quyết định của chủ sở hữu.
Nghị định này được kỳ vọng tạo ra một cơ chế hữu hiệu, giúp các chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt một cách trung thực, đầy đủ và toàn diện về thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, song song với triển khai tốt Nghị định thì cần tổ chức chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; chủ động phòng chống rủi ro cũng như có phương án phù hợp đối với đơn vị làm ăn kém hiệu quả và liên tục thua lỗ.
Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Tài chính-Marketing, vấn đề cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015 có không ít thách thức, trong đó sự yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước đã và đang cản trở tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm có nhiều tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do ngày càng đến gần. Do đó, khi cổ phần hóa các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị tốt, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải hướng tới thu hút và tập trung nguồn lực xã hội vào phát triển kinh tế, nhân dân xây dựng và làm chủ nền kinh tế.
Nếu điều này được thực hiện thì các khâu của quy trình cổ phần hóa sẽ thay đổi, từ việc định giá doanh nghiệp, cơ cấu vốn điều lệ doanh nghiệp cổ phần, cơ cấu cổ đông, tổ chức bộ máy cho đến những vấn đề nhân sự khác… cũng sẽ được đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động tốt mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động, nhà đầu tư và sự phát triển kinh tế đất nước./.