Ngay khi mở cửa thị trường chứng khoán, các chỉ số lao dốc mạnh, có thời điểm VN-Index mất tới 16 điểm.
Nhưng đến khoảng 9 giờ 30 phút, dòng tiền nhập cuộc giúp chỉ số đảo chiều hồi phục.
Cuối phiên sáng 22/4, VN-Index tăng 1,97 điểm (0,26%) lên 768,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 145,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 2.345,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 153 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 175 mã giảm giá.
[Thị trường chứng khoán Âu-Mỹ tiếp tục đi xuống trong phiên 21/4]
HNX-Index tăng 0,3 điểm (0,29%) lên 105 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 29,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 250,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 53 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 66 mã giảm giá.
Nếu như đầu phiên sáng, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 29 mã giảm giá và chỉ có 1 mã tăng giá thì cuối phiên sáng, trong rổ cổ phiếu này đã có tới 17 mã tăng giá.
Các mã cổ phiếu tăng giá mạnh trong nhóm VN30 có thể kể đến như: HPG tăng 3,2%, MSN tăng 1,8%, FPT tăng 1,2%, SAB tăng 1%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự hồi phục tích cực, khi chuyển từ màu đỏ sang xanh.
Trong nhóm ngân hàng chỉ còn 3 mã giảm giá là VCB giảm 1,4%, NVB giảm 1,3%, SHB giảm 0,6%. Đa số các mã còn lại đều tăng giá; trong đó, BID tăng tới 6,8%, CTG tăng 3,5%, VPB tăng 3,3%, HDB tăng 3%, TPB tăng 2,3%, MBB tăng 1,9%, ACB tăng 1,5%...
Ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng tiêu cực từ sự sụt giảm của giá dầu, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, GAS giảm 2,3%, PLX giảm 2,2%, PVB giảm 4,6%, PVS giảm 2,6%, PVC giảm 3,9%, PVD giảm 5,3%...
Bên cạnh đó, vẫn còn một số cổ phiếu đầu ngành ở chiều giảm giá như: VNM, VHM, VIC, VRE, SBT, PNJ...; trong đó, VRE giảm mạnh với 3,9%, SBT giảm 3,5%.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, trong phiên giao dịch ngày 21/4, thị trường chứng khoán Âu-Mỹ vẫn đồng loạt đi xuống do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ sự bất ổn của giá dầu, một ngày sau khi lần đầu tiên giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ “rơi” xuống ngưỡng âm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm tê liệt nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng như trầm trọng thêm tình trạng dư cung.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,7% xuống 23.018,88 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 3,1%, xuống 2.736,56 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,5%, xuống 8.263,23 điểm.
Sự mất giá của thị trường dầu mỏ cũng làm thị trường chứng khoán trên thế giới đi xuống, vì các nhà đầu tư lo ngại điều này có thể kết hợp với nguy cơ nền kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng hơn nữa.
Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu đều đi xuống với mức giảm có nơi lên tới 4%. Kết thúc phiên này, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3%, xuống 5.641,03 điểm.
Tại thị trường Paris của Pháp, chỉ số CAC 40 mất 3,8%, xuống 4.357,46 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 giảm 4%, đóng cửa ở mức 10.249,85 điểm./.