Cơ quan Phát triển Pháp công bố những khoản tài trợ kỷ lục ở Việt Nam

Trong năm 2014, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cam kết tài trợ 89,3 triệu euro phục vụ cho các dự án phát triển tại Việt Nam.
Các thành viên Cơ quan Phát triển Pháp tại buổi họp báo. (Nguồn ảnh: AFD)

Để khuyến khích phát huy các mô hình tăng trưởng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, trong năm 2014, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam đã cam kết tài trợ 89,3 triệu euro phục vụ cho các dự án phát triển tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại buổi họp báo thường kỳ của AFD tại Việt Nam diễn ra sáng 11/6, ông Rémi Genevey, Giám đốc AFD tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên nhận được tài trợ của AFD, trong đó 2014 là một năm ghi nhận nhiều khoản tài trợ “kỷ lục” nhất.

Cụ thể, đối với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 thí điểm của thành phố Hà Nội, trong năm 2014, AFD tại Việt Nam đã tài trợ 69 triệu euro, nhằm hỗ trợ cho thành phố Hà Nội phát triển tuyến đường sắt 12,5 km từ phía Tây Hà Nội vào đến ga trung tâm, dự kiến sẽ đi vào vận hành năm 2016.

AFD tại Việt Nam cũng đã tài trợ 20 triệu euro để triển khai Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Chương trình này nhằm đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vào các chính sách ngành để phát triển quốc gia, nhất là trong các ngành năng lượng, nông nghiệp và quản lý nước; tăng cường năng lực quốc gia về quản lý các vấn đề khí hậu.

Với dự án cải tạo sông Ngự Hà ở kinh thành Huế, AFD tại Việt Nam viện trợ không hoàn lại 300.000 euro để cải thiện việc thu gom và thoát nước mưa, nước thải, nhất là khi ngập lụt do sông Hương; cải thiện môi trường và đảm bảo điều kiện sống của dân cư trong kinh thành Huế../.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng ban nông nghiệp và hạ tầng nông thôn (AFD tại Việt Nam), cho biết trong năm 2015, AFD tại Việt Nam sẽ tiếp tục tài trợ khoản vay 22 triệu euro và khoản viện trợ 800.000 euro để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và đô thị ở tỉnh Lào Cai.

Dự án này nhằm giúp người dân tiếp cận tốt hơn các thị trường, dịch vụ y tế và phát triển du lịch sinh thái; cho phép cải thiện điều kiện sống cho người dân Sa Pa và điều kiện tiếp đón khách.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục