Vào ngày 8/10 tới, hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra với hình ảnh mặt trăng có màu đỏ như máu.
Ở Việt Nam và nhiều vùng khác trên thế giới, có thể quan sát được hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất năm 2014 này.
Xem "Mặt Trăng máu" lúc nào?
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, hiện tượng nguyệt thực toàn phần (gần đây được gọi là “Mặt Trăng máu”) diễn ra vào 8/10 tới sẽ bắt đầu pha nửa tối vào 15 giờ 15 phút, pha một phần vào lúc 16 giờ 15 phút và đạt cực đại vào 17 giờ 54 phút.
Sau đó, hiện tượng sẽ kết thúc pha toàn phần, một phần và nửa tối tương ứng vào 18 giờ 24 phút, 19 giờ 24 phút và 20 giờ 34 phút (giờ Việt Nam).
Tại Việt Nam, giờ Mặt Trăng mọc trong ngày này vào khoảng 17 giờ 25 phút nên người yêu thiên văn không thể theo dõi hiện tượng trước đó cũng như thời điểm trăng mới mọc. Bởi vậy, thời điểm quan sát lý tưởng nhất vào khoảng từ 17 giờ 45 phút cho tới khi kết thúc hiện tượng.
Anh Hoàng Quốc Phương, quản trị web của Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội thì cho hay, lần nguyệt thực toàn phần gần đây nhất mà Việt Nam quan sát được là vào ngày 10/12/2011. Kể từ đó đến nay, đã có tổng cộng 6 lần nguyệt thực diễn ra nhưng không quan sát được tại Việt Nam hoặc là nguyệt thực nửa tối rất khó để quan sát.
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo người quan sát cần chọn vị trí thoáng đãng nhìn về chân trời phía Đông. Người xem cũng quan sát bằng mắt thường, song sẽ thú vị hơn khi có thêm dụng cụ hỗ trợ là ống nhòm, kính thiên văn...
Giải mã "Mặt Trăng máu"
Nói về “Mặt Trăng máu,” anh Đặng Vũ Tuấn Sơn cho hay cụm từ này được nhắc tới khi hiện tượng nguyệt thực xảy ra gần đây, nhưng thực tế thì thuật ngữ này không hề dùng để nói về hiện tượng nguyệt thực.
“Mặt Trăng máu” xuất phát từ Thiên chúa giáo. Cụm từ này được một số người cho là điềm báo của ngày tận thế. Thực tế, Mặt Trăng thường xuyên có màu đỏ như máu vào những lần nguyệt thực.
Cho tới đầu thế kỉ 21, hai linh mục là John Hagee và Mark Biltz tuyên truyền rằng điềm báo thực sự xảy ra khi có một bộ bốn nguyệt thực toàn phần liên tiếp, mỗi lần cách nhau đúng 6 tuần trăng. Tuyên bố này trùng với 4 nguyệt thực trong thời điểm này khi nguyệt thực lần đầu đã diễn ra vào ngày 15 tháng 4 vừa qua. Hai lần còn lại sẽ rơi vào các ngày 4/4 và 28/9/2015 (trong đó ở Việt Nam sẽ quan sát được hiện tượng ngày 4 tháng 4).
“Tuy nhiên, thuật ngữ ‘Mặt Trăng máu’ chỉ là một tên gọi vui, không hề có ý nghĩa nào về mặt quan sát và không phải là điềm báo nào cả,” anh Sơn nhận định.
Anh Hoàng Quốc Phương thì lý giải, việc Mặt Trăng có màu đỏ như máu khi nguyệt thực toàn phần diễn ra là bởi khí quyển của Trái đất.
Cụ thể, khí quyển Trái đất với mật độ và nhiệt độ khác nhau theo độ cao giống như một lăng kính, tán sắc ánh sáng Mặt Trời ra thành 7 màu cầu vồng (màu đỏ là màu bị bẻ cong mạnh nhất). Khi Mặt Trăng đi vào vùng tối (thực ra không tối hoàn toàn mà bị những tia sáng đỏ chiếu rọi) nên đã tạo ra "Mặt Trăng máu."
Hiện tượng này cũng giống như việc Mặt Trời khi hoàng hôn có màu đỏ./.