Có tới 90% trẻ bị cận thị là do các thói quen chưa khoa học

Đáng lưu ý, hiện nay tỷ lệ trẻ đeo kính cận cao. Theo điều tra ở học sinh cấp ba tại các thành phố lớn có tới 50% các em bị cận thị.
Khám mắt cho học sinh tại Bệnh viện mắt Hà Nội 2. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

"Cận thị ở trẻ em đang ngày một nhiều, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Thực tế cho thấy, trẻ em sinh ra có dị tật về mắt như cận thị chỉ chiếm tỷ lệ 10%, còn tới 90% trẻ bị cận thị là do các nguyên nhân khác gây ra như nhìn gần, nhìn không đủ ánh sáng hay sinh hoạt không khoa học."

Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn-Giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết như vậy tại buổi hội thảo: Giữ gìn đôi mắt trẻ thơ, nâng cao nhận thức chăm sóc và bảo vệ mắt cho trẻ em, do Bệnh viện mắt Hà Nội 2 tổ chức chiều 18/6 tại Hà Nội.

[Hưng Yên lần đầu tiên có em bé chào đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm]

Bác sỹ Tuấn phân tích, trẻ bị cận thị do các nguyên nhân phổ biến như thói quen nhìn gần trong thời gian quá lâu làm tăng công suất quá mức thủy tinh thể.

Trẻ bị cận thị có những biểu hiện ban đầu như đi học nhìn thường có dấu hiệu hay mỏi mắt, đau đầu, sợ ánh sáng, nhìn cự ly xa không rõ. Cận thị sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhìn của học sinh, chỉ nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần, không nhìn rõ những mục tiêu ở xa. Vì vậy, trẻ bị cận thị nếu không đeo kính để khôi phục thị lực sẽ không nhìn rõ bảng, các chữ số ở cự ly xa. Vì thế trẻ chép bài không kịp, không hiểu bài, từ đó sinh ra học hành sa sút, chán học…

Đáng lưu ý, hiện nay tỷ lệ trẻ đeo kính cận cao. Bác sỹ Tuấn cho hay cách khắc phục cận thị ở trẻ đơn giản nhất là cho trẻ đeo kính. Theo điều tra ở học sinh cấp ba tại các thành phố lớn có tới 50% các em bị cận thị. Bên cạnh đó, với những người mắc bệnh cận thị có thể khắc phục bằng cách khác như: đeo kính áp tròng cho người cận thị vào buổi tối, phẫu thuật thay thủy tinh thể…

Để phòng tránh cận thị, bác sỹ Tuấn khuyến cáo các bậc cha mẹ, thầy cô giáo chú ý nhắc nhở trẻ phải đảm bảo tư thế ngồi học, không cúi gằm mặt xuống bàn, giờ ra chơi phải cho mắt giải lao 5-10 phút, không đọc sách báo trong bong tối, không xem tivi và chơi điện tử quá mức...

Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn phân tích về bệnh mắt ở trẻ em. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngoài ra, trẻ xem tivi hay điện thoại với khoảng cách quá gần, nếu như ngày nào trẻ cũng xem tivi hơn 2 tiếng đồng hồ với khoảng cách từ mắt tới tivi dưới 3m sẽ làm cho thị lực suy giảm nhiều. Phụ huynh cần khuyến khích trẻ nên nghỉ ngơi mắt sau khi đọc sách hoặc xem tivi sau mỗi 45-50 phút, cho trẻ nghỉ 10-15 phút, nhìn xa ra ngoài cửa sổ và tập những bài thư giãn mắt.

Trẻ khi sử dụng máy tính cần để khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính cách ít nhất 50cm và điều chỉnh độ lóe sáng thấp nhất. Ánh sáng phòng cần được đảm bảo đủ để đọc, dùng máy tính hoặc xem tivi nhưng không được gây chói.

Đặc biệt các bậc phụ huynh cần tăng cường các hoạt động về thể chất, chơi thể thao và các môn học nghệ thuật với khoảng thời gian 2-3 tiếng/ngày để trẻ được thư giãn.

Các bậc phụ huynh nên theo dõi định kỳ để điều chỉnh kính cho phù hợp với mức độ cận thị của trẻ, với trẻ đi học hàng năm đi khám mắt 1 lần, với trẻ có bệnh về mắt thì 1 năm khám 2 lần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục