Ngày 16/6, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng hàm mặt-Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 1 tháng trở lại đây, đơn vị tiếp nhận 3 trường hợp trẻ nhỏ bị chó cắn gây tổn thương vùng mặt rất thương tâm.
Cụ thể, chiều tối 15/5, đơn vị tiếp nhận bệnh nhi L.N.D (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) trong tình trạng có nhiều đường rách lớn vùng hàm mặt, vết thương hở nhiều vùng da, lộ tổ chức cơ, mỡ, xương, răng.
Theo lời kể của người nhà, trưa cùng ngày, bé đang ăn xúc xích thì bị chó nhà hàng xóm lao vào cướp miếng xúc xích. Cú táp của con chó khiến em bé bị thương nặng, rách môi, rách vùng má...
Sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Ngay lập tức, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật trong đêm nhằm bảo tồn khuôn mặt cho bệnh nhi.
[Phú Thọ: Bé gái 3 tuổi bị thương nặng do chó nhà hàng xóm cắn]
Các bác sỹ đã mất 3,5 tiếng đồng hồ, dùng tới 7m chỉ để khâu lại toàn bộ vùng mặt cho bệnh nhi này.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi Đ.Q.V. (18 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), nhập viện ngày 16/5 trong tình trạng có một đường rách lớn trên má phải.
Trước đó 1 tuần, em bé này vô tình vấp phải con chó nhà nuôi đang ngủ nên bị chó cắn vào mặt.
Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu và được khâu lại vết thương. Tuy nhiên, 1 tuần sau đó, toàn bộ vết thương bị bung chỉ, bệnh nhi lại được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bác sỹ phải tiến hành khâu lại vết thương cho bệnh nhi.
Trường hợp thứ ba là bệnh nhi L.N.G.H. (19 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), được đưa đến bệnh viện ngày 10/6 trong tình trạng bị rách vùng má phải với vết thương lớn, phần da bị rách nát lộ cơ, mô mỡ…
Trước đó, khi chó nhà đang ăn thì bệnh nhi đến gần và bị chó cắn xé.
Với trường hợp này, các bác sỹ cũng mất hơn 3 tiếng đồng hồ với 5m chỉ để khâu vá lại vết thương.
Bác sỹ Đẩu cho biết đây chỉ là 3 trường hợp tai nạn thương tích trẻ em liên quan đến chó cắn mới nhất đơn vị này tiếp nhận thời gian gần đây.
Hằng năm, có nhiều trẻ em bị chó cắn phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Thông thường, người lớn hay bị chó cắn vào vùng tay, chân còn trẻ em lại hay bị chó tấn công vào vùng đầu mặt. Thời điểm xảy ra tai nạn thường là lúc trẻ không đến trường, ở nhà, trong khi người lớn lơ là, không chú ý.
“Chó cắn thường để lại vết thương sâu, khó hồi phục, ảnh hưởng nhiều cơ quan quan trọng của trẻ như mắt, mũi, miệng. Nguy cơ gây nhiễm trùng và nhiễm virus dại từ nước bọt, uốn ván từ móng vuốt của chó là rất lớn. Đồng thời, việc phẫu thuật, điều trị vết thương do chó cắn rất phức tạp, để lại sẹo xấu, gây sang chấn tâm lý cho trẻ," bác sỹ Đẩu chia sẻ.
Do đó, các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải được chích ngừa, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ.
Phụ huynh cũng cần cảnh giác với chó nuôi trong tất cả mọi trường hợp, chó càng lớn thì mức độ gây sát thương cho trẻ càng cao./.