Theo hãng tin NBC News, cô y tá trong bức ảnh Nụ hôn mừng chiến thắng Thế Chiến II nổi tiếng, vừa qua đời ở tuổi 92.
Bức hình chụp ngày 14/8/1945 trên quảng trường Thời Đại đã ghi lại được cảnh Greta Zimmer Friedman nhận được một nụ hôn say đắm từ một chàng thủy thủ trong ngày chiến thắng. Xung quanh họ, rất đông người xuống đường ăn mừng việc phát xít Nhật đầu hàng. Bức ảnh này đã được đăng trên tạp chí Life.
Thứ Năm vừa qua, con trai bà Friedman là Joshua Friedman cho biết bà đã qua đời tại Virginia sau khi phải chống chọi với một loạt bệnh tật: loãng xương, vỡ xương hông và viêm phổi.
Joshua Friedman cho biết mẹ mình luôn nói rằng bà chưa bao giờ cảm thấy mình đã làm được điều gì để xứng đáng có được một chỗ trong lịch sử nước Mỹ.
“Bức ảnh đó có ý nghĩa với rất nhiều người. Nhưng mẹ tôi luôn cảm thấy đó không phải là điều bà đã làm, mà là điều đã xảy ra với bà mà thôi,” Joshua Friedman nói.
Bà Friedman khi đó 21 tuổi và là một trợ lý bác sỹ nha khoa, nhưng suốt nhiều năm đã bị hiểu nhầm là y tá vì bộ đồ bà mặc trong bức ảnh. Năm 2005, bà đã chia sẻ câu chuyện của mình với Dự án Lịch sử Thương binh của Thư viện Quốc hội. Theo đó, khi đang làm việc, bà nghe thấy người ta kháo nhau rằng chiến tranh đã kết thúc. Sau đó, bà tự mình tới quảng trường Thời Đại để tìm hiểu.
“Đột nhiên, tôi bị anh thủy thủ đó tóm lấy. Cũng chẳng giống một nụ hôn cho lắm, mà giống một hành động ăn mừng hơn. Về sau tôi biết anh ta vui như vậy bởi anh ta không cần quay lại Thái Bình Dương, nơi mình đã trải qua cuộc chiến tranh nữa,” bà đã cho biết.
Cả viên thủy thủ và bà Friedman đều không biết rằng khoánh khắc "khóa môi" đó của họ đã được nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt của tạp chí Life ghi lại, sau đó đăng lên tạp chí vài tuần sau đó cùng dòng chú thích đơn giản “Ngày chiến thắng” (V-J Day) mà không có tên của hai người trong ảnh.
Suốt nhiều năm, đã có nhiều người khẳng định người trong ảnh chính là mình. Nhưng phải đến năm 1960, bà Friedman mới nhìn thấy bức ảnh và viết thư cho tạp chí Life. Khi đó tờ tạp chí hồi âm lại rằng cũng giống như bà, đã có nhiều người nói như vậy và họ đã tìm thấy cô gái trong ảnh, dù chưa hề đưa ra thông báo chính thức. Năm 1980, Life đăng lại bức ảnh và một lần nữa nhận được vô số khẳng định về danh tính người trong ảnh.
Mãi cho đến gần đây, danh tính của viên thủy thủ mới được làm sáng tỏ khi George Mendonsa đến từ đảo Rhode quyết định kiện tạp chí Life sau khi Đại học Chiến tranh Thủy quân dùng công nghệ quét gương mặt 3D để khẳng định ông chính là người đã hôn bà Friedman trong ảnh.
Ông Eisenstaedt đã qua đời năm 1995. Cuốn sách xuất bản năm 2012 có tên “Nụ hôn của chàng thủy thủ: Bí ẩn đằng sau bức ảnh kết thúc Thế chiến II” đã liệt kê nhiều bằng chứng cho thấy ông Mendosa và bà Friedman là hai người trong ảnh.
Tuần tới, bà Friedman sẽ được an táng cạnh mộ của chồng mình là ông Misha Friedman, nguyên là tướng bộ binh trong quân đội, người đã qua đời năm 1998. Hai vợ chồng sẽ cùng yên nghỉ tại nghĩa trang quốc gia Arlington.
“Tôi nghĩ như vậy là ổn thỏa,” Joshua Friedman chia sẻ./.