Coca-Cola và Pepsi đồng lòng trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Coca-Cola và Pepsi đã hứa hẹn về một "bước tiến lớn" sẽ được triển khai vào năm 2030, nhằm giảm thiểu thải ra môi trường loại vật chất gây hại cho con người, động vật hoang dã và các đại dương này.
Rác thải nhựa trôi dạt vào bờ biển ở Ouzai, phía nam Beirut, Liban ngày 19/7/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hòa chung nỗ lực hạn chế chất thải nhựa trên toàn cầu, ngày 24/1, các "đại gia" sản xuất nước giải khát Coca-Cola và Pepsi đã hứa hẹn về một "bước tiến lớn" sẽ được triển khai vào năm 2030, nhằm giảm thiểu thải ra môi trường loại vật chất gây hại cho con người, động vật hoang dã và các đại dương này.

Giám đốc điều hành (CEO) Coca-Cola James Quincey và CEO Pepsi Ramon Laguarta, cùng ông chủ Tập đoàn hóa chất Dow Chemical Jim Fittering và nhiều lãnh đạo công ty khác đã tham dự một cuộc hội thảo về nền kinh tế nhựa, một chủ đề thường xuyên được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức ở Davos, Thụy Sĩ.

Ba công ty này đều là thành viên của Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW), vừa được thành lập hồi giữa tháng này, với sự góp mặt của khoảng 30 công ty đa quốc gia từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Trong phát biểu của mình, CEO Pepsi Laguarta tin tưởng có thể giảm thiểu lượng chất dẻo được sử dụng trong ngành giải khát và thức ăn nhanh. Ông bày tỏ lạc quan vấn đề này sẽ được giải quyết vào năm 2030.

Trước đó, AEPW, bao gồm cả các doanh nghiệp năng lượng, hóa dầu và sản xuất nhựa lớn, cho biết sẽ đóng góp 1 tỷ USD nhằm giảm tới mức tối thiểu và xử lý rác thải nhựa, cũng như thúc đẩy các giải pháp đối với các đồ nhựa đã qua sử dụng.

[Coca-Cola Australia với 'cuộc cách mạng' ống hút tự phân hủy]

Trước những hoài nghi của các chuyên gia và nhà hoạt động môi trường về ý định cũng như hiệu quả mà kế hoạch của liên minh này mang lại, CEO Coca-Cola Quincey khẳng định bản thân cam kết chung của AEPW đã cho thấy nhiều lợi ích. Ông đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tái chế các loại chai nhựa và tạo ra "một nền kinh tế tuần hoàn" - một mô hình kinh tế nhấn mạnh việc tái sử dụng rác thải để sản xuất các sản phẩm khác.

Theo báo cáo do tổ chức bảo vệ thiên nhiên Greenpeace công bố hồi tháng 10 năm ngoái, lượng rác thải mà các sản phẩm của ba tập đoàn nước giải khát và thực phẩm hàng đầu thế giới là Coca-Cola, Pepsi và Nestle thải ra môi trường chiếm tới 65% lượng rác thải nhựa trên thế giới. Trong đó, đứng đầu danh sách đáng xấu hổ này là Coca-Cola với lượng rác thải của tập đoàn này được tìm thấy tại 40 quốc gia.

Coca-Cola, Pepsi và Nesle đã cam kết giải quyết vấn đề này. Coca-Cola và Nesle đưa ra giải pháp tái chế bao bì sản phẩm hoặc tái sử dụng, trong khi Pepsi lựa chọn chuyển sang sử dụng bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học.

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa bị vứt xuống biển. Các chuyên gia cho biết có tới 80% rác thải dưới các đại dương được làm từ nhựa, phần lớn là túi nylon và các chai lọ dùng một lần. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) đang hướng đến một lệnh cấm đối với đồ nhựa dùng một lần như đi dao, đĩa, và ống hút vào năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục