Tuần báo Pháp Courrier International đã đề cập tới vấn đề xử lý rác thải đang được coi như là một cuộc khủng hoảng trên thế giới.
Ngay trang bìa, trên nền ảnh chụp rác thải chất thành núi, tờ báo chạy tựa đề “Rác: Một bài toán nhức đầu cấp thế giới” kèm theo một câu hỏi “Làm gì với rác khi mà Trung Quốc đã quyết định thôi không nhập nữa?”
Câu trả lời là một phóng sự điều tra dài của nhật báo Financial Times (nước Anh) được Courrier International trích dịch.
Từ năm 2018, Trung Quốc đã cấm nhập rác và giờ đây một số quốc gia Đông Nam Á trở thành nơi thu nhận phế thải của các nước phát triển trong điều kiện môi sinh và vệ sinh rất tồi tệ.
[Photo] Người Tokyo đã đối phó với rác thải như thế nào?
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy mỗi năm có đến hơn 270 triệu tấn rác được xử lý trên thế giới, và từ khi có quy định sàng lọc rác vào thập niên 80 của thế kỷ 20, thì việc xử lý rác được rao bán như giải pháp cho số rác ngày càng lớn được thải ra. Đó cũng là một công việc kinh doanh trị giá tới 175 tỷ euro trên toàn cầu.
Cho đến ngày 31/12/2017, Trung Quốc còn là “trung tâm” xử lý rác thải quốc tế nhưng vào năm 2018, tất cả đã thay đổi. Trung Quốc quyết định không nhận vật liệu để xử lý với lý do phần lớn vật liệu này “bẩn” hoặc nguy hiểm, và là một mối đe dọa cho môi trường.
Chính sách mới của Trung Quốc nghiêm ngặt đến nỗi Trung Quốc và Hong Kong từ chỗ mua đến 60% lượng rác thải nhựa từ các nước G7 trong sáu tháng đầu năm 2017, nhưng 1 năm sau chỉ còn nhập khoảng 10%.
Financial Times đã lần theo dấu vết rác thải nhựa và giấy cũ mà các nước G7 xuất khẩu và thấy rằng sau quyết định của Trung Quốc, số lượng rác chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt.
Trong vòng vài tháng, Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hong Kong.
Từ sáu tháng đầu 2017 và sáu tháng đầu 2018, lượng rác nhựa ở Indonesia tăng vọt 56%, trong khi Thái Lan có mức tăng lên tới 1.370%./.