Coi trọng bản quyền, thương hiệu để nông sản Việt vươn xa

Vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ về giống hay thương hiệu tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cần được coi trọng, tránh trong tương lai, nông sản Việt bị các thị trường xuất khẩu từ chối.
Gạo ST25. (Nguồn: Vietnam+)

Sự vụ bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở một số thị trường trên thế giới và gần đây là bản quyền giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) sau những tranh cãi nảy lửa đã tìm ra được hướng giải quyết hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Nhưng nhìn ở góc độ nông sản Việt đang ngày càng ra "biển lớn" thì vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ về giống hay thương hiệu tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cần được coi trọng, tránh trong tương lai, nông sản Việt bị các thị trường từ chối.

Quá trình từ nghiên cứu đến sản xuất thử, công nhận, chuyển giao bản quyền, giống cây trồng rất dễ bị người dân tự lấy sản xuất, nhân rộng trong quá trình sản xuất thử nghiệm. Bởi, thói quen của nông dân từ xưa đến nay vẫn chủ yếu là đi xin hạt, xin cành, xin cây… về tự nhân giống hoặc mua trôi nổi trên thị trường còn khá phổ biến.

Thế nhưng điều này chỉ phù hợp với sản xuất nhỏ, sản phẩm thu được mua bán ở quy mô làng xã. Còn nếu sản xuất quy mô lớn hàng hóa, đặc biệt là có xuất khẩu thì vấn đề bản quyền giống cần được đặt ra để nâng cao trình độ hội nhập cho nông dân. Nông sản Việt có cơ hội vươn xa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 "nóng" lên khi một doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản không xuất được khi phía Nhật yêu cầu chứng minh bản quyền giống này.

[Tên miền quốc gia hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản địa phương]

Trước đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát Fruit đã đăng ký bảo hộ giống cây thanh long ruột đỏ LD1 ở thị trường Nhật Bản bởi công ty này đã mua bản quyền giống cây thanh long trên của Viện Cây ăn quả Miền Nam.

Hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát Fruit - đơn vị đang giữ bản quyền giống đã cam kết chia sẻ quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống này với mức phí 0 đồng khi xuất khẩu thanh long như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia… và thị trường nội địa (ngoài thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản).

Đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, doanh nghiệp nào muốn tự xuất khẩu thì Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát Fruit sẽ thu phí từ 10-30 đồng/kg tùy số lượng.

Những doanh nghiệp được chia sẻ quyền đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1 phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình sản xuất, đóng gói xuất khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh trường hợp vi phạm, gây mất thương hiệu, uy tín, làm tổn thất cho thị trường xuất khẩu quả thanh long nói chung và Hoàng Phát Fruit nói riêng.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, bản quyền thuộc phạm trù sở hữu trí tuệ. Hiện các nước phát triển rất chú trọng vấn đề này. Việt Nam muốn vào sân chơi quốc tế cần phải tuân theo cuộc chơi bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng góp bản quyền tác giả cho các cơ quan nghiên cứu giống là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, để tạo được một giống cây trồng chất lượng cao, từ khi lai tạo đến khi được công nhận lưu hành cần rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, như cây ăn quả cần ít nhất 15 năm liên tục với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Để có được một giống tốt, có khả năng thương mại hoá và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu tạo giống đủ dài, liên tục với lượng kinh phí đủ lớn và ổn định.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng việc cấp bản quyền nhằm khuyến kích các tổ chức, cá nhân tham gia vào nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế. Nếu không tôn trọng bản quyền, sở hữu trí tuệ thì sau này sẽ không ai dám đầu tư nghiên cứu, phát minh ra các sản phẩm mới.

"Một công trình nghiên cứu khoa học được thành công tốn rất nhiều công sức, thời gian và chi phí, nên khi thành công thì đương nhiên cần phải thu lại chi phí đó. Những người sau này thương mại hóa giống đó sẽ phải bù đắp vào chí phí đó. Đây là điều đương nhiên và là xu hướng quốc tế," ông Nguyên phân tích.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng việc giao quyền đăng ký bảo hộ và thực thi quyền của chủ sở hữu bằng bảo hộ đối với các giống cây trồng được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước cho các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa quan trọng để giúp các tổ chức nghiên cứu công lập phát triển các giống cây trồng có chất lượng tốt, tạo động lực để thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách vào lai tạo giống cây trồng theo đúng chủ trương xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học, từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư cho công tác nghiên cứu…

Việc mua bán bản quyền giống không chỉ bù đắp lại chi phí nghiên cứu mà theo ông Đăng Phúc Nguyên, người mua bản quyền giống họ có trách nhiệm bảo vệ bản quyền giống đó, đảm bảo giống được thuần chủng, không bị lai tạp.

Nếu để giống đó tự do một thời gian sau, giống đó sẽ bị thoái hóa, lai tạp với các giống khác, dẫn đến mất giống. Nguy hiểm hơn nếu không đăng ký bản quyền, bảo hộ thì rất dễ bị mất giống vào các đối thủ cạnh tranh.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, các nước phát triển sẽ quan tâm về bản quyền giống. Với các vùng sản xuất lớn cho xuất khẩu cần lưu tâm về bản quyền giống, mua giống có nguồn gốc.

Bản quyền giống cũng sẽ góp phần tạo nên thị trường giống cây trồng lành mạnh. Các doanh nghiệp có tầm nhìn xa, khi đầu tư sản xuất đều có quan tâm về giống bản quyền.

Cũng từ câu chuyện thanh long ĐL 1 được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, một doanh nghiệp (xin được giấu tên) cho rằng khi các cơ quan chức năng đàm phán mở cửa thị trường cần lưu tâm về giống sản phẩm sẽ đàm phán, tránh việc đàm phán cho sản phẩm của một doanh nghiệp.

Doanh nghiệp này cũng kiến nghị cần tách bạch việc cấp mã số vùng trồng với bản quyền giống. Mã số vùng trồng là phục vụ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo về chất lượng sản phẩm.

Mã số vùng trồng không thể để dùng chứng minh là sản phẩm đó thuộc bản quyền sở hữu của ai. Muốn được cấp mã số vùng trồng, doanh nghiệp phải có bản quyền giống là không nên.

Nông sản xuất khẩu hiện nay là gặp hàng rào kỹ thuật chủ yếu về kiểm dịch thực vật, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực thi bản quyền tác giả, các quy định của nước xuất khẩu và nhập khẩu đối với giống cây trồng hiện chưa quá phổ biến nhưng cũng đang là một hàng rào kỹ thuật nằm trong quy định của nhiều nước nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, nông dân cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đối với các thông lệ quốc tế mà nhiều nước đã từng áp dụng, tránh bị động như đối với giống thanh long LĐ1.

Trước khi trồng một loại cây trồng, nông dân luôn phải tìm đối tác để ký kết hợp đồng tiêu thụ, tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của giống cây trồng và quy định của các nước nhập khẩu mặt hàng đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục