"Con đường Balkan" đóng lại, lượng người di cư đến Italy tăng vọt

Báo cáo của cơ quan phụ trách nhập cư thuộc Bộ Nội vụ Italy cho hay số người tới Italy qua Địa Trung Hải cho đến ngày 24/3 là gần 14.500 người, tăng gần 4.400 người so với ba tháng đầu năm ngoái.
"Con đường Balkan" đóng lại, lượng người di cư đến Italy tăng vọt ảnh 1Người di cư tới Messina của Italy sau khi được lực lượng bảo vệ Italy cứu ngoài khơi Sicily. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Bộ Nội vụ Italy, kể từ đầu năm cho đến nay, lượng người di cư bằng đường biển từ Libya sang nước này đã tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này càng làm tăng thêm nỗi lo lắng từ các giới chức Italy, rằng việc tuyến đường bộ qua các nước Balkan bị đóng lại sẽ khiến dóng người di cư qua Địa Trung Hải tăng trở lại.

Báo cáo của cơ quan phụ trách nhập cư thuộc Bộ Nội vụ Italy cho hay số người tới Italy qua Địa Trung Hải cho đến ngày 24/3 vừa rồi là gần 14.500 người, tăng gần 4.400 người so với ba tháng đầu năm ngoái.

Hầu hết những người xuất phát từ các cảng biển của Libya tới Italy trên con đường này đều là người châu Phi, cụ thể là Nigeria (gần 2.500 người), Gambia (gần 2.000 người), Senegal (1.300 người), Mali và Bờ Biển Ngà.

Theo báo chí Italy, số lượng người đến Italy tăng lên trong thời gian này bằng đường biển một phần là do bọn buôn người gia tăng hoạt động trên tuyến Địa Trung Hải, sau khi nhận thấy con đường Balkan đã đóng lại, sau khi hơn 1 triệu người di cư đã đi qua tuyến này trong năm 2015, cũng là năm mà dòng người vượt biển sang Italy giảm mạnh.

Italy đang lo ngại rằng bọn buôn người sẽ mở tuyến đường từ Albania hoặc từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển Aegea sang nước này, trong khi vẫn duy trì tuyến đường biển từ Libya sang, trong thời điểm nước Bắc Phi này đang trong tình trạng hỗn loạn và chưa lập được chính phủ hợp nhất.

Số chuyến tàu chở người di cư trái phép gia tăng cũng đồng nghĩa với nguy cơ có nhiều tai nạn chết người hơn. Theo Tổ chức quốc tế về người di cư (IOM), năm ngoái, đã có 3.770 người di cư thiệt mạng trong các tai nạn trên biển Địa Trung Hải. Đó cũng là năm có nhiều người di cư chết trên biển nhiều nhất từ trước tới nay.

Tình hình nghiêm trọng ở Libya và việc con đường Balkan bị chặn lại là một trong những lý do khiến Italy đang lo ngại tình trạng xấu nhất có thể xảy ra: lượng người di cư vượt Địa Trung Hải tới nước này trong năm nay có thể sẽ vượt con số kỷ lục 170.000 người vào năm 2014. Mùa Xuân đến, thời tiết đẹp, trời quang và biển không động có thể sẽ là cơ hội tốt để số người vượt biển tăng lên.

Hôm 29/3, 730 người di cư gốc Bắc Phi đã được một chiếc tàu hàng của Na Uy chở đến đảo Sicily, sau khi vớt được số người này hai ngày trước đây. Trong hai tuần qua, đã có hơn 3.000 người được đưa đến các trung tâm tiếp nhận trên đảo Sicily.

Nhật báo Corriere della Sera cho hay hiện có 108.000 người di cư đang tạm trú trong các trại tiếp nhận của Italy, và việc có thêm ngày càng nhiều người di cư được đưa đến sẽ đẩy các trạm này vào tình trạng quá tải. Hầu hết số người này đều không xin tị nạn ở Italy mà xin tới các nước Bắc Âu.

Việc Đức và các nước Bắc Âu có khả năng tạm dừng tiếp nhận người di cư có thể đẩy tình trạng quá tải này thành một cuộc khủng hoảng lớn cho Italy, khi số người trên bị mắc kẹt ở Italy và không di chuyển đi đâu được.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy sự chia rẽ trong quan điểm của người Italy liên quan đến vấn đề di cư. Thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận IXE cho thấy 56% số người được hỏi cho rằng cần phải đóng cửa biên giới như là một cách để giải quyết khủng hoảng di cư, nhưng cũng có gần 40% số người được hỏi tin rằng việc này sẽ chỉ đem đến rắc rối cho Italy. Mặc dù vậy, có tới hơn 50% người Italy không đồng ý cưu mang giúp đỡ cho người di cư ở nhà của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.