Tình trạng ô nhiễm và hủy hoại môi trường do chính con người gây ra là nguyên nhân dẫn tới 25% số ca chết non và bệnh tật trên toàn thế giới.
Theo báo cáo mới công bố ngày 13/3, Liên hợp quốc cảnh báo những khí thải độc hại, nước uống nhiễm hóa chất và tình trạng phá hoại hệ sinh thái vốn đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới đang gây ra một đại dịch toàn cầu và làm suy yếu nền kinh tế.
Báo cáo Triển vọng Môi trường toàn cầu (GEO), do 250 nhà khoa học từ 70 quốc gia trên thế giới thực hiện trong 6 năm, đã chỉ ra cách biệt ngày càng lớn giữa các quốc gia giàu có và các quốc gia nghèo khó khi tình trạng tiêu thụ quá mức, ô nhiễm và lãng phí thực phẩm ở các quốc gia giàu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghèo, đói và dịch bệnh ở những nơi khác của thế giới.
Trong khi khí thải nhà kính không ngừng gia tăng, tình trạng hạn hán, lũ lụt và siêu bão ngày càng nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao, chính giới ở nhiều quốc gia bắt đầu nhận ra biến đổi khí hậu có thể gây ra vô số nguy cơ.
Năm 2015, các lãnh đạo trên thế giới đã thống nhất Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó mỗi quốc gia cam kết hành động để cắt giảm khí thải nhà kính giúp kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Tuy nhiên, những tác hại với sức khỏe do tình trạng ô nhiễm, phá rừng và cơ giới hóa chuỗi cung ứng thực phẩm gây ra lại chưa được nhiều người biết đến.
Báo cáo cho thấy các điều kiện môi trường khắc nghiệt gây ra gần 25% các ca dịch bệnh và tử vong trên toàn thể giới.
Chỉ tính riêng năm 2015, đây là nguyên nhân dẫn tới khoảng 9 triệu ca tử vong. Không có nước uống sạch, 1,4 triệu người đã tử vong mỗi năm do các căn bệnh có thể phòng tránh được như tiêu chảy và các bệnh ký sinh trùng do dùng nguồn nước ô nhiễm và kém vệ sinh. Trong khi đó, các hóa chất độc hại hằng ngày đổ ra biển sẽ gây ra những tác hại sức khỏe kéo dài nhiều thế hệ.
[Cuộc sống tốt đẹp hơn có dẫn đến sự hủy hoại môi trường?]
Tình trạng phá rừng và canh tác nông nghiệp quy mô lớn diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, là nơi sinh sống của khoảng 3,2 triệu người.
Báo cáo GEO cũng chỉ ra ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới 6-7 triệu ca chết non mỗi năm. Đến giữa thế kỷ này, nếu tình trạng sử dụng kháng sinh trong sản xuất thực phẩm tiếp tục diễn ra thiếu kiểm soát thì các loại siêu vi trùng kháng thuốc sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chết non.
Các chuyên gia lưu ý để có thể kiểm soát và đảo ngược tình hình, cần có hành động khẩn cấp ở quy mô lớn chưa từng có.
Các tác giả của báo cáo cảnh báo nếu không nhanh chóng trang bị lại nền kinh tế một cách bài bản, để đảm bảo các quy trình sản xuất phù hợp hơn, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội sẽ không thấm vào đâu so với cái giá mà con người phải trả bằng chính sinh mạng, thời gian lao động và chi phí khắc phục hậu quả đi kèm.
Báo cáo kêu gọi "thanh lọc" tận gốc trong hành xử của con người. Ví dụ, tình trạng lãng phí thực phẩm, gây ra 9% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, hoàn toàn có thể cắt giảm.
Hiện thế giới đang lãng phí 30% số thực phẩm được sản xuất, đặc biệt là ở các quốc gia giàu có khi có tới 56% thực phẩm bị lãng phí là ở các quốc gia này.
Đồng tác giả chính của GEO Joyeeta Gupta cho rằng chỉ đơn giản bằng cách cắt giảm lượng thực phẩm bị lãng phí và tiêu thụ ít thịt đi, con người hoàn toàn có thể giải quyết được bài toán cung cấp thực phẩm cho dân số toàn cầu có thể lên tới 10 tỷ người tính tới năm 2050.
Báo cáo cũng kêu gọi nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính và việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu để cải thiện chất lượng không khí và nguồn nước./.