Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu; trong đó bão, lũ lụt là hai loại thiên tai thường xuyên và nguy hiểm nhất.
Theo ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chịu từ 6 đến 7 cơn bão. Từ năm 1990 đến 2010 đã xảy ra 74 trận lũ trên các hệ thống sông. Hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, và nhiều thiên tai khác cũng đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của các vùng miền trên cả nước.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế đất nước.
Đây là một trong những nội dung chính trong Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sáng nay (22/1) tại Hà Nội.
Thông tin về cực đoan khí hậu trong tương lai, đại diện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết theo kịch bản nồng độ khí nhà kính cao, số ngày nắng nóng dự tính đến giữa thế kỷ 21 tăng phổ biến từ 20-30 ngày; đến cuối thế kỷ, số đợt nóng (3 ngày liên tiếp) dự tính sẽ gia tăng ở hầu hết các khu vực trên cả nước, đặc biệt là khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên với mức tăng có thể lên tới 6-10 đợt.
Về tần suất mưa lớn, số liệu quan trắc cho thấy hiện tượng mưa lớn diện rộng có xu hướng tăng mạnh. Số ngày mưa lớn có xu thế giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng nhẹ ở phía Nam; tăng khá mạnh ở Trung Nam Bộ và Tây Nguyên. Theo dự báo, sự thay đổi lượng mưa và nhiệt độ dự kiến có thể dẫn đến những thay đổi về lũ lụt.
Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan cũng nhận định, tình hình hạn hán có khả năng xuất hiện nhiều và kéo dài hơn trong thế kỷ 21 ở hầu hết các vùng khí hậu trên cả nước.
Cùng với sự gia tăng của nhiệt độ và các hiện tượng cực đoan, số lượng bão hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có thể giảm về tần suất nhưng tăng về cường độ và số lượng bão mạnh. Số ngày rét đậm, rét hại cũng có xu thế giảm, tuy nhiên số lượng các đợt rét lại biến đổi phức tạp và biến động mạnh từ năm này qua năm khác…
Chia sẻ tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, là một trong những quốc gia đang phát triển và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu của trái đất.
Ngoài ra, để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, Việt Nam cũng đã kiên trì thông tin, tuyên truyền để tăng cường nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và huy động mọi nguồn lực ứng phó giảm nhẹ thiên tai.
Cũng trong sáng nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị giới thiệu Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu (VPCC), bao gồm các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về các lĩnh vực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, sự ra đời của Hội đồng tư vấn là cơ sở để đưa ra những chủ trương, chính sách, các vấn đề khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp hơn với xu hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, cũng như thích hợp với những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới./.