Công bố nguyên nhân gây ra việc cá chết hàng loạt trên sông Bưởi

Nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi là do do các yếu tố môi trường bị ô nhiễm nặng, không liên quan đến dịch bệnh của các loài thủy sản sinh sống trên sông Bưởi.
Công bố nguyên nhân gây ra việc cá chết hàng loạt trên sông Bưởi ảnh 1Cá chết nhiều trên sông Bưởi. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Ngày 17/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có báo cáo kết quả kiểm tra mẫu nước, mẫu cá chết trên sông Bưởi.

Theo đó nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi là do do các yếu tố môi trường bị ô nhiễm nặng, không liên quan đến dịch bệnh của các loài thủy sản sinh sống trên sông Bưởi.

Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng, chỉ tiêu NH3 trên sông Bưởi đoạn qua huyện Thạch Thành vượt ngưỡng cho phép là 7,4-7,5 lần; chỉ tiêu H2S ngưỡng cho phép là 1,5-2 lần; chỉ tiêu NO2 vượt ngưỡng cho phép là 2-4 lần. Về dịch bệnh, kiểm lâm sàng trên cá, không tìm thấy dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, ngành chức năng khẳng định cá chết trên sông Bưởi do các yếu tố môi trường bị ô nhiễm nặng.

Trong những ngày 13-14/5, vẫn xẩy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi mặc dù các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi như Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Hiếu Hưng, cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng đã đóng cửa, không xả thải ra sông Bưởi nhưng cá vẫn chết là do cá bị yếu dần và chết.

Tổng số cá chết là sau hai đợt là hơn 18.000 kg cá nuôi, 100% cá tôm tự nhiên trên sông chết. Ngoài vấn đề cá chết thì nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và nhất là đời sống, sinh hoạt của người dân ven sông Bưởi.

Cũng theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, do điều kiện khối lượng nước sông Bưởi bị ô nhiễm lớn, các giải pháp khắc phục sinh học, hóa học hiện đều không khả thi. Do vậy, cần phải có thời gian để mưa lũ rửa trôi và khả năng tự làm sạch của môi trường tự nhiên.

Hiện nay, các biện pháp được sử dụng để hạn chế thiệt hại đối với vùng hạ lưu (khi nước ô nhiễm chưa đến) như di chuyển lồng bè, thu hoạch cá nuôi, chuyển cá vào ao; khuyến cáo người chăn nuôi ven sông tạm thời không nên sử dụng nước từ sông Bưởi.

Trước đó, 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường dọc sông Bưởi gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Hiếu Hưng (có địa chỉ tại xóm Bùi, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) đã bị phạt với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất 12 tháng. Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình (xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) bị phạt với tổng số tiền hơn 1,78 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động trong 6 tháng. Cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng (xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), bị phạt với tổng số tiền gần 195 triệu đồng và đình chỉ hoạt động xả thải gây ô nhiễm cả cơ sở trong 3 tháng, kể từ ngày 20/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục