Theo các chuyên gia giáo dục, xu hướng hội nhập quốc tế yêu cầu các trường đại học muốn khẳng định uy tín, tăng thương hiệu, thu hút người học thì phải tăng vị trí trên các bảng xếp hạng thế giới. Vì thế, các trường buộc phải đầu tư nghiên cứu và công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Đặc biệt là từ năm 2017, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ, trong đó yêu cầu bắt buộc về việc phải có công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh và cả giáo viên hướng dẫn. Theo đó, nghiên cứu sinh muốn tốt nghiệp phải có công bố quốc tế. Giảng viên muốn hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng buộc phải có công bố quốc tế. Quy chế đào tạo tiến sỹ năm 2017 vì thế được đánh giá là một bước đột phá, một cú hích và buộc các nhà nghiên cứu Việt phải nâng cao chất lượng, công bố quốc tế, hội nhập thế giới.
Kết quả của sự điều chỉnh chính sách này đã thể hiện rõ trong sự tăng trưởng mạnh mẽ về công bố quốc tế của Việt Nam trong ba năm gần đây.
Số bài báo ISI tăng 144,7%
Theo thạc sỹ Hồ Mạnh Toàn, Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa, thống kê số lượng công bố khoa học trên các tạp chí ISI cho thấy trong 10 năm qua, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trên các tạp chí này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu năm 2011, Việt Nam chỉ có gần 1.600 công bố khoa học trên các tạp chí này thì đến năm 2020, con số này đã tăng gần 8 lần, với gần 12.500 bài báo. Số bài báo ISI năm 2020 còn lớn hơn tổng số bài báo ISI của ba năm 2017, 2016 và 2015 cộng lại, cũng lớn hơn tổng số bài ISI của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm trước đó, từ 2011 đến 2015.
Số lượng bài báo quốc tế tăng nhanh qua từng năm, đặc biệt là từ sau năm 2017, khi quy chế về đào tạo tiến sỹ năm 2017 có hiệu lực. Nếu năm 2018, Việt Nam có hơn 6.000 bài báo ISI thì năm 2020, con số này đã tăng gấp hơn hai lần.
Nếu năm 2016, Việt Nam tăng 674 bài ISI so với năm 2015 thì năm 2017, số bài báo ISI tăng so với năm trước đó là gần 700 bài, năm 2018 là gần 1.400 bài, năm 2019 lên hơn 2.600 bài. Năm 2020, số bài báo ISI tăng 3.756 bài so với năm 2019.
Nếu năm 2015, tốc độ tăng trưởng số bài báo ISI của Việt Nam là gần 114% thì đến năm 2018, con số này là 129%, năm 2019 là 143% và năm 2020 tiếp tục tăng lên 144,7%.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong công bố nghiên cứu khoa học quốc tế đã góp phần quan trọng trong việc giúp các đại học của Việt Nam tăng hạng trên bản đồ giáo dục đại học quốc tế.
Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có hai đại học lọt tốp 1.000 đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng của Tổ chức QS là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2019, Việt Nam tiếp tục lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng 1.000 đại học tốt nhất của bảng xếp hạng uy tín thế giới THE với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bảng xếp hạng QS 2020 theo lĩnh vực có tên 4 đại học của Việt Nam lọt tốp 600 trên thế giới, gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Cần Thơ. Trong đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học Cần Thơ lần đầu tiên được “điểm danh” trong bảng xếp hạng này. Đây cũng là lần đầu tiên hai ngành toán học của Việt Nam được lọt vào tốp 500 của thế giới.
[Tranh cãi về đào tạo tiến sỹ: Cần hay không cần công bố quốc tế?]
Ở Bảng xếp hạng đại học theo thành tựu học thuật (URAP), năm 2020, Việt Nam có 12 trường đại học được xếp hạng, tăng thêm 4 trường so với năm ngoái.
Bước tiến dài của nhóm ngành khoa học xã hội
Trong số các bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí ISI của Việt Nam, chiếm đến 94,2% là các bài báo thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên. Nhóm ngành khoa học xã hội có số lượng bài báo khoa học công nghệ khiêm tốn hơn với chỉ 5,8%.
“Điều này là bình thường vì đó là tình trạng chung trên thế giới, nhóm ngành khoa học xã hội thường ít có công bố quốc tế hơn. Vì thế, tuy ít hơn về số lượng nhưng nếu xét trên tốc độ tăng trưởng thì nhóm khoa học xã hội lại tăng nhanh hơn và nhiều ngành có sự hội nhập quốc tế cao hơn,” thạc sỹ Hồ Mạnh Toàn nói.
Lấy dẫn chứng cụ thể, thạc sỹ Hồ Mạnh Toàn cho hay năm 2016, số bài báo Scopus của ngành kinh tế là 107 bài thì năm 2020, con số này là 1.024 bài, tăng gần 10 lần. Tương tự, số công bố của ngành kinh doanh tăng gần 10 lần, từ 140 bài lên 1.316 bài.
Các lĩnh vực có tính đặc thù cao như văn hóa, nhân học, lịch sử, khoa học chính trị và quan hệ quốc tế hay các lĩnh vực “khó nhằn” như triết học cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng công bố quốc tế.
Nếu năm 2016, số công bố quốc tế của các ngành triết học, văn học, nhân học, đô thị học của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đến năm 2020, công bố quốc tế của các ngành này đã lên mức hai con số.
Với sự tăng trưởng về số lượng, các ngành nhóm khoa học xã hội cũng đã có những bước tiến dài trên bảng xếp hạng thế giới.
Thạc sỹ Hồ Mạnh Toàn cho hay, theo Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học SCIMAGO đánh giá các cơ sở dữ liệu từ nguồn Scopus, nếu năm 2016, nhóm ngành kinh tế của Việt Nam xếp vị trí thứ 57 thì năm 2020 đã ở vị trí thứ 20. Nhóm ngành kinh doanh cũng tăng gần 40 bậc, từ vị trí số 63 năm 2016 lên vị trí thứ 25 năm 2020.
[Đào tạo tiến sỹ: Cho phép áp dụng quy chế mới với khóa tuyển sinh cũ]
Đây cũng hai ngành xếp thứ hạng cao nhất về công bố quốc tế của Việt Nam, trong khi nhóm ngành có vị trí cao nhất của nhóm khoa học tự nhiên là ngành toán có vị trí thứ 30.
Các ngành khoa học xã hội khác cũng có sự lên hạng ấn tượng trong năm 2020 so với năm 2016 như ngành văn học tăng 32 bậc, từ vị trí số 95 lên 63; ngành triết học tăng 25 bậc, từ vị trí số 86 lên vị trí số 61; ngành lịch sử tăng 17 bậc, từ số thứ tự 79 lên 62; ngành khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tăng 11 bậc…
“Những số liệu, phân tích trên cho thấy vai trò, ý nghĩa trong thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của Thông tư 08 về đào tạo tiến sỹ năm 2017, khi công bố quốc tế của Việt Nam đã có bước nhảy vọt. Thực tế đó cũng cho thấy hoàn toàn có thể phát triển công bố quốc tế ở lĩnh vực khoa học xã hội,” thạc sỹ Hồ Mạnh Toàn nói.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế với nghiên cứu sinh và giáo viên hướng dẫn trong Thông tư 18 thay thế Thông tư 08 về quy chế đào tạo tiến sỹ. Điều này đang gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam khi nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ làm chậm đà hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học vốn đã và đang phát triển mạnh thời gian qua./.