Chiều 12/4, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Sách “Kinh tế Xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu,” do tập thể tác giả của Hội biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in và phát hành.
Sách “Kinh tế Xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” được hoàn thành và ra mắt bạn đọc là kết quả lao động miệt mài hơn một năm của 24 nhà khoa học, trong đó có một tác giả người Hàn Quốc.
Cuốn sách được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện từ gợi ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững 2016” do Hội tổ chức.
Cuốn sách được biên soạn công phu, trình bày đẹp và hiện đại, trên khổ giấy 16x24cm. Với gần 700 trang, chia làm hai phần chính, gồm bảy chương, hơn 60 danh mục và phụ lục thuật ngữ, cuốn sách “Kinh tế Xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” đã truyền tải một cách tương đối có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế xanh mà dư luận xã hội đang quan tâm.
Phần thứ nhất của cuốn sách phân tích sâu về các nội dung xanh hóa sản xuất công nghiệp, xanh hóa nông nghiệp, xanh hóa tiêu dùng và xanh hóa lối sống đô thị và nông thôn. Các tác giả đã mạnh dạn trình bày quan điểm của mình về nhiều vấn đề, nhất là việc huy động nguồn lực từ cộng đồng nhằm phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Phần thứ hai của cuốn sách này là tổng quan các mô hình thực tiễn trên thế giới, trong đó có quốc gia hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Chủ biên, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Danh Sơn cho biết bản thân tên cuốn sách có chữ “cho” và “trong” thể hiện cô đọng mối quan hệ giữa kinh tế xanh, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu mà nội dung cuốn sách muốn hướng tới.
Cuốn sách hướng tới đối tượng độc giả chính là những nhà hoạch định chính sách và quản lý phát triển. Đây cũng là cuốn sách hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, giảng dạy, doanh nhân; là tài liệu tham khảo cần thiết cho xã hội trong tiến trình phát triển đất nước theo hướng xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu./.